Trên khắp dải đất hình chữ S này, rất nhiều những cựu chiến binh đang ngày đêm tìm kiếm hài cốt của những người đồng đội đã cùng chung chiến hào năm xưa. Trong những người lính cựu năm xưa có ông Nguyễn Văn Kim hiện đang sống tại thành phố Yên Bái. Ông Nguyễn Văn Kim, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 là một trong những người lính cựu đã chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên năm xưa. Ông Kim cho biết, ngày ấy trên chiến trường xưa nhìn những đồng đội trúng đạn gục ngã ngay trước mặt mà lòng nặng trĩu nhưng không thể làm gì được vì những trận pháo cày xới ác liệt của kẻ địch. Trong trận chiến này, Tiểu đoàn 3 của ông hy sinh rất nhiều, trong đó có Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh.

Khi nhắc về trận chiến năm ấy, ông Kim không khỏi bùi ngùi vì thời điểm ấy, ông cùng đồng đội chỉ đưa được gần 1/3 số liệt sĩ ra ngoài. Vẫn còn rất nhiều đồng đội của ông nằm lại chiến trường và bị những đợt đạn pháo cày xới. Theo tổng kết của Mặt trận lúc đó vẫn còn hơn 2000 liệt sĩ chưa tìm thấy. Trở về địa phương, lòng vẫn canh cánh khi vẫn còn nhiều đồng đội chưa được tìm thấy, mặc dù không lúc nào quên nhưng do ông và các đồng đội còn sống năm đó chưa có điều kiện để đi tìm hài cốt của những đồng đội đã ngã xuống. Đấy cũng chính là lý do để ông bắt đầu hành trình đi tìm đồng đội xưa ở các trận địa đã từng chiến đấu.

Năm 2000, ông Kim cùng đồng đội thành lập Câu lạc bộ Sư đoàn 356 tại Yên Bái. Đến năm 2002, câu lạc bộ tổ chức một đoàn đi xe máy về Hà Giang thăm lại chiến trường xưa. Từ đó, ông Kim thường nhắn tin và tìm đồng đội trên trang “Quân sự Việt Nam máu và hoa”. Và ông rất bất ngờ khi nhận được điện thoại của bà Lưu Thị Lan vợ của ông Nguyễn Hữu Thanh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 khi xưa vào tháng 4 năm 2012. Ông Kim chia sẻ, bà Lan vợ ông Thanh hiện đang sống ở Bố Trạch, Quảng Bình. Đến tháng 6 năm 2012, hai mẹ con bà Lan đến xã Thanh Thủy để gặp ông Kim và ông Khiêm – là thông tin tiểu đoàn đi cùng Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh năm xưa để gặp lãnh đạo UBND xã Thanh Thủy nhờ giúp đỡ tìm hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Hữu Thanh. Khi ấy, cao điểm 772 vẫn còn nguyên trạng sau chiến tranh do còn rất nhiều mìn và chất nổ chưa tháo gỡ nên chưa có ai dám đặt chân tới.

Ông Kim kể lại, khi được UBND xã, Bộ đội biên phòng giúp đỡ, dân quân đưa đến chân cao điểm 772, đoàn tìm kiếm thuê lực lượng dò mìn thủ công nhặt những vật liệu nổ để sang hai bên lấy đường lên. Khi đã xác định đúng vị trí ông Thanh hy sinh đoàn đã khai quật và đưa được hài cốt ông lên. Sau khi cùng gia đình đưa ông Thanh về quê ở Bố Trạch, Quảng Bình, Ban liên lạc đã đề nghị với địa phương cho tổ chức ngày giỗ trận của Sư đoàn. Khi được tỉnh ủy Hà Giang thông qua, ngày giỗ trận của Sư đoàn 356 đã được Hội Cựu Chiến binh tỉnh Hà Giang tổ chức vào năm 2013 và duy trì cho đến bây giờ.

Đại tá Nguyễn Trung Thái, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Yên Bái cho biết, những người lính cựu như ông Kim là những tấm gương điển hình của Hội Cựu chiến binh tỉnh Yên Bái. Có rất nhiều các liệt sĩ đã được đồng đội đưa về các nghĩa trang nhưng cũng vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Điều đó chính là động lực để những cựu chiến binh như ông Kim tiếp tục công việc tìm kiếm của mình.

Những năm sau đó, cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim phối hợp với địa phương lên các điểm cao 685, 300, 400 và tìm được hàng chục bộ hài cốt đồng đội để báo cho chính quyền quy tập về nghĩa trang địa phương. Với tấm lòng, tình cảm và trách nhiệm với đồng đội đã khuất còn lưu lạc đâu đó, mỗi khi có thông tin nào liên quan hoặc một hy vọng tìm được đồng đội là ông Kim lại lên đường ngay. Cùng với việc tìm kiếm đồng đội ông còn vận động và xã hội hóa xây được 2 ngôi nhà cho các đồng chí thương binh và liệt sĩ của đơn vị năm xưa./.