Nặng tình với đồng đội

Năm 1970, nhằm giáng một đòn bất ngờ, đánh phủ đầu để phá căn cứ quân sự trên tuyến đường quan trọng lưu thông Bắc - Nam, Tiểu đoàn đặc công 404, Quân khu 5 thực hiện một trận đánh cảm tử vào sân bay Khâm Đức. Nơi đây vốn là một căn cứ quân sự của Mỹ, nằm sát Khu ủy Khu 5 trong kháng chiến, đóng ngay vị trí huyết mạch trên đường mòn Hồ Chí Minh và ngã ba về Đà Nẵng, Quảng Nam. Một trận đánh bi hùng với chiến tích tiêu biểu, tiêu diệt phá hủy thật kỳ diệu, đúng như dự đoán, sau đó 21 ngày quân địch buộc phải bốc quân tháo chạy, rời khỏi căn cứ Khâm Đức. Ta phá vỡ thế án ngữ của địch, nối liền tuyến giao thông huyết mạch từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Tập thể 17 chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn 404 Quân khu 5 có một trận đánh hợp đồng tập kích đầy quả cảm, các anh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng rồi anh dũng hy sinh. Binh lính Mỹ chôn các anh trong một hố mộ tập thể trong Sân bay Khâm Đức.

Đây cũng là thời điểm, ông Phạm Công Hưởng, ở phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội nhập ngũ và sau đó được phân công bổ sung vào Tiểu đoàn Đặc công 404. Chính vì thế, câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của những đồng đội cùng đơn vị đã theo ông suốt nửa thế kỷ qua. “Đồng đội tôi cũng như tôi, quên mình vì tổ quốc. Tôi may mắn được trở về, hưởng hòa bình, nên ông nên bà. Còn đồng đội tôi, nhiều người mãi nằm lại nơi chiến trường. Người thân muốn thắp cho họ một nén hương cũng không biết họ ở nơi đâu”, ông Hưởng chia sẻ.

Gian nan hành trình tìm kiếm

Để tri ân 17 cảm tử quân đã ngã xuống, suốt nửa thế kỷ qua, ông Hưởng luôn lần mò ký ức để tìm manh mối về nơi diễn ra trận đánh. Cùng với đó, ông âm thầm liên lạc, trao đổi với đồng đội cùng đơn vị, mặt khác ông liên hệ với chính quyền địa phương và Ban Chỉ huy quân sự huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam để xin hỗ trợ việc tìm kiếm. Ngoài ra, ông còn làm văn bản mời các tổ chức khoa học trong nước để tiến hành tìm hố mộ bằng phương pháp sử dụng Radar xuyên đất thay cho việc đào bới thủ công, cơ giới. Cảm động trước nghĩa tình của người lính cựu dành cho những đồng đội đã ngã xuống, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghệ thông tin Gia Định TP Hồ Chí Minh, Viện Vật lý địa cầu- Liên hiệp các tổ chức khoa học Việt Nam đã cử các đoàn cán bộ tham gia tìm kiếm.

“Tôi bắt đầu tìm kiếm những đồng đội hy sinh trong trận đánh cảm tử ở sân bay Khâm Đức từ năm 2009. Năm 2011, khi có thông tin từ Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng, tôi đã tổ chức một chuyến đi gần 60 người vào khu vực sân bay Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam để tìm kiếm”, ông Hưởng cho biết.

Suốt hai năm 2011-2012, sau hàng chục chuyến đi, tốn kém tiền của và công sức, ông Hưởng cùng đồng đội và người thân vẫn không thể tìm ra địa điểm diễn ra trận đánh cũng như nơi chôn cất 17 cảm tử quân. “Có năm, tôi vào Quảng Nam tới vài lần nhưng cứ hy vọng rồi lại thất vọng”, ông Hưởng chia sẻ. Đặc biệt, năm 2013, khi phát hiện bị ung thư vòm họng, sức khỏe suy giảm, ông Hưởng còn sợ không biết có kịp hoàn thành ước nguyện “trả lại tên cho đồng đội”. Song càng lo ông càng mày mò tìm kiếm thông tin.

Đúng lúc ấy, ông Hưởng đã tìm thấy một đoạn phim tư liệu, có độ dài hơn 6 phút trên mạng internet với những hình ảnh miêu tả một trận giao tranh ác liệt giữa quân đội Việt Nam với đối phương là quân đội Mỹ. Đoạn phim do cựu phóng viên chiến trường của quân đội Mỹ - ông Christopher Jensen đăng tải, kèm lời chú thích bằng tiếng Anh có nội dung: Cuộc tấn công cảm tử của đặc công Việt Nam diễn ra vào 4 giờ sáng 5.8.1970 nhằm phá hủy trận địa pháo 105 mm. Các cảm tử quân đã tử trận, tất cả được chôn chung trong một ngôi mộ không xa nơi diễn ra trận đánh.

Như được tiếp thêm sức mạnh, vừa tăng cường kết nối với những cựu chiến binh cùng đơn vị ông Hưởng vừa tìm cách liên lạc, trao đổi với tác giả của đoạn phim để khai thác thông tin về nơi chôn cất 17 cảm tử quân từ những người ở bên kia chiến tuyến năm xưa. “Tôi may mắn gặp được tác giả. Sau đó, họ còn giúp tôi kết nối với người trực tiếp chỉ huy việc chôn cất các chiến sĩ đặc công Việt Nam. Vì họ khác múi giờ với mình, có thời gian, nhiều tháng liền, tôi dậy từ 2 - 3 giờ sáng để trao đổi với các cựu chiến binh Mỹ qua Facebook, Skype”, ông Hưởng chia sẻ.

Sau những lần trao đổi, không chỉ có thêm thông tin, ông Hưởng còn nhận được sự hỗ trợ từ một số chuyên gia khảo cổ học người Mỹ có kinh nghiệm tìm kiếm hài cốt trong chiến tranh.

Tần suất của những chuyến thực địa để xác định tọa độ, địa điểm ngôi mộ tập thể - nơi chôn cất 17 chiến sỹ đặc công hy sinh cách đây 50 năm cứ thế ngày một tăng lên. “Chúng tôi không nhớ đã thực hiện bao nhiêu chuyến đi vào Quảng Nam. Mỗi chuyến đi đều tốn kém tiền của, công sức của thân nhân các liệt sỹ nên tôi cùng đoàn tìm kiếm càng quyết tâm tìm cho bằng được”, ông Hưởng thổ lộ.

“Chiến công” sau nửa thế kỷ

Ròng rã hơn 10 năm, vừa lần dở ký ức, vừa chắp mối thông tin kết hợp với kỹ năng đọc bản đồ, ngày 1.6.2020, ông Hưởng cùng các cựu chiến binh thuộc Tiểu đoàn Đặc công 404, bộ đội huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam và thân nhân của các liệt sỹ đã tìm được hố mộ tập thể - nơi chôn cất 17 cảm tử quân, hy sinh từ cách đây nửa thế kỷ. “Tôi bị ung thư nên khi phát hiện thấy hố mộ, tôi phải về chỗ nghỉ gần đó, không trực tiếp tham gia khai quật. Tuy nhiên, khi đồng đội của tôi báo tin đã tìm được hài cốt đồng đội, tôi đã bật khóc. Khóc vì cảm giác như mình vừa giành được chiến công sau hàng chục năm khắc khoải, miệt mài kiếm tìm”, ông Hưởng bày tỏ.

Kết quả của cuộc tìm kiếm xuyên nhiều thập niên khiến thân nhân 17 liệt sĩ vỡ òa cảm xúc. Bà Nguyễn Thị Luận, ở thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - chị gái của liệt sỹ Nguyễn Trọng Thế là một trong số đó. “Em tôi đi là đi biệt tích luôn. Là lính đặc công nên em không gửi một dòng thư nào về cho người thân. Nửa thế kỷ mong ngóng nên khi được đón em về, cả gia đình tôi khóc. Khóc vì vui mừng, khóc vì tự hào về sự hy sinh anh dũng của em”, bà Luận xúc động chia sẻ.

Cảm xúc của bà Lê Thị Liên và người thân ở xã Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình cũng dâng trào khi tìm được nơi chôn cất người cha của mình - liệt sỹ Lê Quý Quỳnh. “Chúng tôi có giấy báo tử của cha nhưng không nhiều manh mối về nơi hy sinh. Việc tìm kiếm khó như "mò kim đáy bể" nên gia đình, ai cũng bật khóc khi tìm được cha. Thay mặt thân nhân các liệt sỹ, tôi xin cảm ơn Đảng, Nhà nước, các cơ quan liên quan. Tôi cảm ơn những đồng đồng đội của cha tôi, đặc biệt là chú Hưởng, đã không quản ngại khó khăn, vất vả, dành tiền của, công sức để chúng tôi tìm được người thân sau nửa thế kỷ chờ đợi”, bà Liên bày tỏ.

Nghe âm thanh bài viết dưới đây