V.League 2023/24 đã trở lại với loạt trận khởi đầu cho giai đoạn lượt về. Thông thường BHL (ban huấn luyện) ĐTQG (Đội tuyển quốc gia) sẽ chia người theo dõi trực tiếp các trận đấu để tuyển chọn những cầu thủ phong độ tốt nhất cho vòng loại World Cup. Nhưng hiện chiếc ghế HLV ( huấn luyện viên) trưởng lại bỏ trống và phần việc quan trọng này sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

U23 Việt Nam đã có HLV tạm quyền dẫn dắt tại VCK U23 châu Á khởi tranh nửa tháng nữa tại Qatar. Còn với ĐTQG, sẽ có 2 tháng tính đến trận đấu tiếp theo của vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á. Thời gian không nhiều, nhưng việc tìm tân HLV cho ĐTQG có lẽ cũng không cần quá vội vàng, xét về tình hình đội bóng hiện tại.

Ba trận thua liên tiếp, trong đó có 2 thất bại trước Indonesia khiến tuyển Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 3 bảng F, kém tới 4 điểm so với đối thủ trực tiếp và cơ hội giành quyền vào vòng loại thứ ba… chỉ còn trên lý thuyết. Chính vì vậy, phương án HLV tạm quyền cho 2 trận đấu còn lại với Philippines và Iraq đã được đưa ra.

Điều quan trọng hơn là xác định tiêu chí cho tân HLV dẫn dắt ĐTQG và U23 Quốc gia ở những giải đấu tiếp theo. Theo phát biểu của một lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam thì các tiêu chí này dựa trên uy tín, về trình độ chuyên môn và điều quan trọng nữa là phải “phù hợp với bóng đá Việt Nam”.

Uy tín là điều có thể cảm nhận và trình độ chuyên môn có thể được thể hiện trên bản CV (sơ yếu lý lịch) của các ứng viên, thông qua thành tích mà họ có được khi là cầu thủ, hay tên tuổi những CLB, đội tuyển mà họ từng dẫn dắt. Chỉ riêng yếu tố “phù hợp với bóng đá Việt Nam” thì lại đòi hỏi phải có thời gian, tức là phải thực sự bắt tay vào việc, thậm chí là dẫn dắt đội bóng vài giải đấu, mới biết có phù hợp hay không.

Kể từ khi bóng đá Việt Nam tìm kiếm vị HLV ngoại đầu tiên dẫn dắt ĐTQG, đã gần 30 năm. Các ông thầy đến từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á từ những nền bóng đá phát triển hàng đầu thế giới như Brazil, Đức hay hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng thành công không nhiều và nhiều người ra đi chỉ sau vỏn vẹn vài tháng.

Khó có thể nói những vị HLV không thành công do thiếu trình độ chuyên môn, bởi họ đều tới các nền bóng đá phát triển nhưng “phù hợp với bóng đá Việt Nam” lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Họ có thể không “phù hợp” vì áp dụng 1 triết lý bóng đá từ châu Âu, với một đội bóng châu Á mà yếu tố thể hình, thể lực chưa bao giờ là một điểm mạnh.

Họ cũng có thể không “phù hợp” vì đã quen với bóng đá chuyên nghiệp trong khi tại Việt Nam, đây mới đang là mục tiêu hướng tới, sau hàng chục năm. Những khác biệt về văn hóa cũng có thể khiến công việc không thuận lợi, như cách ứng xử với cầu thủ, phát ngôn trong những cuộc họp báo, những cuộc “đấu khẩu” với giới truyền thông, và hiện tại là cả cộng đồng mạng xã hội.

Trong những HLV châu Âu từng dẫn dắt ĐTVN, có thể kể tới những cái tên như Alfred Riedl, Henrique Calisto từng mang lại những danh hiệu, thành tích cũng rất đáng kể. Tuy nhiên, ngay cả 2 nhà cầm quân này cũng không thành công ngay. Bởi ông Alfred Riedl cũng tới 3 lần ra đi rồi trở lại còn Henrique Calisto cũng chỉ đưa ĐTVN tới đỉnh cao là chức vô địch AFF Cup 2008, sau một thời gian rất dài làm việc ở Việt Nam.

Xét trên tiêu chí này, các HLV từ Hàn Quốc hay Nhật Bản có lợi thế hơn khi ứng tuyển vào “chiếc ghế nóng” dẫn dắt ĐTVN giai đoạn tới. Cùng với đó là hiệu ứng từ những thành công của HLV Park Hang Seo cũng có thể tác động tới quyết định cuối cùng của VFF. Theo các thông tin ban đầu, những bản CV đầu tiên gửi tới Liên đoàn cũng là từ các HLV Hàn Quốc.

Bóng đá Việt Nam đã đặt mục tiêu vào đấu trường cao nhất là World Cup nhưng bước đầu là thất bại với HLV Philippe Troussier. Nhìn nhận thẳng thắn, yếu tố “phù hợp” là khá mông lung, nhất là trong giai đoạn lực lượng tuyển thủ không còn mạnh như cách đây vài năm. May mắn duy nhất là việc tuyển chọn không bị áp lực thời gian, nên VFF có thể lùi thời gian đưa ra quyết định cuối cùng. “Chậm nhưng chắc” là điều cần thiết vào lúc này, bởi với người hâm mộ, niềm tin đã bị thử thách quá nhiều…/.