Nghe chương trình tại đây:

Sáng và chiều, hai cữ đều như vắt chanh, ông Nguyễn Văn Thái ở quận Đống Đa, Hà Nội mang guitar ra đàn và hát. Khán giả thân thiết nhất của ông là vợ - bà Âu Thị Ngọc Bích. Năm nay ông bà đều đã ngoài 70.

"Tuổi già tình cảm vẫn thế thôi, suốt ngày làm việc cùng nhau thì quá hiểu tâm trạng của nhau, hiểu ý nhau" - bà Bích chia sẻ.

Bà ngồi nhặt rau hoặc trông cửa hàng nhỏ, thi thoảng nhìn ông ngân nga theo điệu nhạc. Nhà ông bà ở tầng 1, ai đi qua cũng chậm chân vài bước để chào hỏi, trò chuyện, đôi khi chỉ im lặng nghe tiếng đàn. Mùa hè đến, ông bà có thêm món mới là chè đỗ đen. Đồ ăn, thức uống chỉ bán trong ngày nên ông bà thường dậy từ 4 giờ sáng chuẩn bị nguyên vật liệu. Làm để có thêm thu nhập, làm để mình chậm già đi và làm để đỡ chán nhau – đó là suy nghĩ của đôi vợ chồng đã bên nhau gần 50 năm.

"Các con còn cuộc sống của nó nữa. Nó rất quan tâm đến bố mẹ nhưng mình chưa phải nhờ các con" - Họ chọn tựa vào nhau thay vì cậy nhờ con cái. Ông bà mở quán cháo để có đồng ra đồng vào, lương hưu chỉ để dành khi ốm đau. Ngày 24 tiếng bên nhau, không tránh được những lúc "cơm không lành, canh không ngọt".

"Giận nhau không quá một buổi tối đâu. Đi xa một lúc là phải gọi điện, hỏi nhau, nhớ nhau đấy" - Ông Thái cười hì hì nghĩ về chuyện vợ chồng va chạm.

“Nhường nhịn” có lẽ là từ khóa trong cuộc sống hôn nhân của ông bà. Chẳng ai sinh ra, đến từ hai gia đình khác nhau mà hợp nhau từ đầu cho đến khi bạc đầu. Bà Bích kể ông là người hiền lành, ít nói. Bà vui chuyện, thích nói nhiều hơn. Ông sẽ là người kiên nhẫn nghe bà kể. Khi ông nóng tính, bà thường chọn im lặng thay vì đối đáp trực diện. "Sống là phải có tình thương, tình yêu mới hạnh phúc được. Mình sống thế nào để tạo dựng cho con cái nhìn vào" - bà nói.

Còn với bà Nguyễn Thị Minh Châu và ông Lưu Xuân Cầu, tình yêu vẫn ắp đầy trong tổ ấm này. Ông bà quen biết nhau từ nhỏ, lớn lên lúc đất nước chiến tranh, mỗi người một ngả. Tình yêu trong xa cách, sâu sắc, thử thách và nồng đượm. Khi chính thức là vợ chồng, ông bà lại càng trân trọng hơn những giây phút bên nhau.

Về hưu, ông bà vẫn ở lại trong căn nhà cũ gần nơi công tác trước đây. Sáng, bà đi chợ, về nấu cơm. Ông bà chưa bao giờ thấy buồn bởi những hoạt động lặp đi lặp lại đó. "Chúng tôi thân nhau, hiểu nhau như người bạn, thi thoảng nói nhau chứ không cãi nhau" - bà Châu cho biết.

Nguyên tắc của ông bà là vợ chồng không được xưng "mày, tao", khi không bằng lòng thì phải nói với nhau. "Ở với nhau cứ bình tĩnh như thế sẽ khỏe hơn. Khi đã chấp nhận lấy nhau, mỗi người gọt giũa mình đi một tí…"

Ông Cầu nay đã ngoài 80, tai đã thêm phần nghễnh ngãng. Một lần nói chuyện bà đều nói to hơn chút. “Cãi nhau thì có” – ông Cầu thừa nhận - "Những lúc cãi nhau thì phải nghĩ đến lúc mình yêu nhau, thế là tự nhiên qua thôi". Đàn ông ít nói, dân kỹ thuật lại càng ít những lời ngọt ngào. Ông thể hiện bằng hành động để bà hiểu tình cảm của ông.

Để cải thiện chất lượng cuộc sống của cặp vợ chồng già rất cần sự đồng lòng, đồng sức của cả hai người trong việc tạo dựng hạnh phúc. Một trong những việc các cặp đôi hạnh phúc thường làm đó là: Duy trì giao tiếp. Thế nhưng, theo dữ liệu tổng hợp từ nghiên cứu của khoa Tâm lý Đại học Y Quảng Đông (Trung Quốc), khi các cặp vợ chồng già ở nhà một mình, gần 1/4 trong số họ làm việc riêng, thỉnh thoảng hoặc thậm chí không hề giao tiếp với nhau.

"Việc ít tương tác với nhau không liên quan nhiều đến tính cách mà đó là diễn biến tâm lý theo lứa tuổi" - Chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyến nêu ý kiến. Theo chuyên gia này, khi về già, nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe nên mỗi người cũng có mối lo lắng riêng. "Họ có mối bận tâm khác, cũng có những cái áp lực liên quan đến chuyện con cái, hoặc là về mặt sức khỏe, bệnh tật. Bên cạnh đó, họ cũng bắt đầu cảm thấy sự nhàm chán khi cả hai đã hiểu nhau quá"- Chuyên gia phân tích các nguyên nhân dẫn đến họ không còn nhiều cái nhiệt thành trong cái giao tiếp.

Còn có những cặp đôi lại thường xuyên cãi nhau mà họ thường gọi là "khắc khẩu". Chuyên gia tâm lý Tình Tuyết lại nhìn nhận, "cãi vã" cũng có cái vui, nó chứng minh sự tồn tại của người kia. Tuy nhiên, sau cãi vã để hiểu nhau hơn chứ không phải để tạo khoảng trống trong hôn nhân.

"Con cái cũng đóng góp vào mối quan hệ của cha mẹ già, như tạo những khoảnh khắc gia đình, ngày lễ, hoạt động tập thể. Người già sống bằng hồi tưởng và con cái luôn khuyến khích bố mẹ thể hiện tình cảm với nhau như nắm tay nhau khi ra ngoài..." - chuyên gia tâm lý cho rằng, hạnh phúc được "di truyền" từ ông bà, cha mẹ đến con cháu.