Nghệ nhân Ngô Thị Thu sinh ra và lớn lên tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội - cái nôi của Chèo tàu, loại hình trình diễn hát chèo trên cạn cùng với tàu, thuyển. Đây là một nghi lễ diễn xướng trong dân gian, không giống làn điệu nào khi chỉ có nữ hát. Do đam mê, khi còn là một thiếu nữ, bà đã tham gia đội văn nghệ của xã từ năm 1976. Tại đây, bà bắt đầu làm quen với Chèo tàu và cải lương.

Bà Thu cho biết, lúc đó, lời của các làn điệu chèo chủ yếu được biên soạn mới, không phải Chèo tàu nguyên bản. Tuy nhiên, vì yêu thích và có năng khiếu trời cho, bà theo đội văn nghệ xã đi biểu diễn ở các làng lân cận. Những giai điệu Chèo tàu cứ thế ngấm vào “tâm hồn” bà từ lúc nào không hay. “Tôi theo đội văn nghệ và tham gia các hoạt động biểu diễn từ năm 1976 tới giờ. Yêu thích ca hát nên đến đâu, thấy có hoạt động văn nghệ là đến tham gia”, bà Thu tâm sự.

Để góp phần gìn giữ, phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này, bà Thu và một số nghệ nhân trong xã còn tích cực sưu tầm các làn điệu cổ, nghiên cứu bối cảnh, trang phục trình diễn Chèo tàu nguyên bản. Theo bà, Chèo tàu cổ có khoảng 360 làn điệu. Hiện nay, chỉ còn gần 20 làn điệu lưu giữ được chính xác về ngôn ngữ và cách hát.

Mong muốn Chèo tàu sớm trở thành di sản cấp quốc gia, dù tuổi cao, bà Thu vẫn tích cực tham gia các buổi biểu diễn. Đồng thời, với trách nhiệm của một nghệ nhân và vai trò Chủ nhiệm CLB Chèo tàu xã Tân Hội, bà còn trực tiếp truyền dạy cho các thế hệ, nhất là những ca nhi trẻ. “Chúng tôi tự hào về quê hương mình vì đã có di sản văn hóa phi vật thể mà không nơi nào có. Để giữ gìn, chúng tôi đã đào tạo được một số lớp, bình quân mỗi năm dạy được cho khoảng 30 em. Vừa rồi, xã cấp giấy chứng nhận cho các em. Với những em hát tốt, chúng tôi chọn, đưa vào làm người hát chính của câu lạc bộ”, bà Thu cho biết.

Đam mê đặc việt với vốn cổ của địa phương, nghệ nhân Ngô Thị Thu không chỉ truyền dạy mà còn lan tỏa tình yêu Chèo tàu đến các bạn nhỏ. Đây là yếu tố giúp cho Nguyễn Thị Quỳnh cũng như nhiều “ca nhi”, ở xã Tân Hội cảm thụ được những điều hay, nét đẹp của chèo tàu. Việc học các làn điệu chèo tàu cũng vì thế trở nên dễ dàng hơn. “Đất nước mình có nhiều loại hình nghệ thuật, riêng Tân Hội có Chèo tàu. Em thấy nó rất đặc biệt, muốn học để giữ gìn văn hóa quê hương mình. Học chèo khó nhưng với tâm huyết trong việc gìn giữ và sự chỉ dạy của của các nghệ nhân, em thấy dễ tiếp thu hơn”, ca nhi Nguyễn Thị Quỳnh tâm sự.

Suốt nhiều năm qua, bà Thu không nhớ đã truyền dạy và lan tỏa tình yêu Chèo tàu cho bao nhiêu em nhỏ. Cùng với nỗ lực trong việc sưu tầm, bảo tồn và phục dựng những làn điệu cổ, bà đã được các cấp, các ngành ghi nhận với nhiều giải thưởng, bằng khen và huy chương. Có thể kể đến là những tấm huy chương Vì sự nghiệp văn hóa, danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân Ưu tú cấp Nhà nước lĩnh vực Di sản văn hóa Phi vật thể... Bà Thu tâm sự, đó là những phần thưởng rất cao quý, tuy nhiên, điều khiến bà vui sướng và hạnh phúc nhất là sự đón nhận, tiếp nối của thế hệ trẻ. Bà cũng hy vọng Chèo tàu sẽ sớm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Và để mong ước ấy sớm trở thành hiện thực, chừng nào còn sức khỏe bà sẽ còn sưu tầm, tìm hiểu các làn điệu cổ, tham gia các buổi biểu diễn và truyền dạy những gì mình biết về Chèo tàu cho bất cứ ai đam mê và muốn học hát Chèo tàu.

Nghe bài viết dưới đây: