Nhà của nghệ nhân Nguyễn Bảo Nguyên nằm trên phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Căn phòng rộng chưa đầy 10m2 chứa đầy những bức tranh truyền thần trắng đen. Không những diễn tả dáng dấp, đường nét của khuôn mặt, những bức tranh còn thể hiện được cái “thần” cũng như tâm trạng của nhân vật. Nghệ nhân Nguyễn Bảo Nguyên gọi đấy là phần thưởng cho hơn nửa thập kỷ làm nghề. Dù tuổi đã cao nhưng ngày nào ông cũng vẽ. Nói về nghề vẽ truyền thần, ông chia sẻ, dù đã đào tạo nhiều lớp học trò nhưng đến giờ chỉ có vài người theo được nghề. "Trước cả Hà Nội có cả trăm người làm nghề vẽ tranh truyền thần nhưng giờ thì chẳng còn được bao nhiêu. Chắc chỉ còn độ 5, 6 người, cũng đều đã cao tuổi, liệu những người ấy mất đi thì còn ai nối nghiệp?", ông Nguyên trăn trở.

Trước đây những cửa hàng vẽ truyền thần không hiếm. Ấy là thời internet cùng với công nghệ vi tính và kỹ thuật photoshop chưa phổ cập vào nước ta. Giờ đây vẽ tranh truyền thần chỉ còn lại vài ba cửa hàng nằm khiêm nhường trên những con phố cổ của Hà Nội.

Những tưởng máy móc và công nghệ hiện đại có thể xóa sổ dòng tranh truyền thống, nhưng theo nghệ nhân Nguyễn Bảo Nguyên, vẫn còn nhiều người đam mê với nghề này.

Nguyễn Đức Anh, một họa sỹ trẻ gắn bó với nghề vẽ tranh truyền thần hơn 10 năm nay là một trong số đó. Có tận mắt theo dõi đôi tay khéo léo khi vẽ tranh mới cảm nhận được nét tài hoa cùng lòng đam mê của người nghệ sĩ. Sau gần 10 năm làm nghề, họa sỹ Đức Anh cho rằng, nếu không vì tình yêu anh đã gác lại nghề vẽ vì khó khăn.

“Khi phải lo toan cơm áo gạo tiền ở Hà Nội đắt đỏ, thì khó có thể tiếp tục theo đuổi dòng tranh truyền thần vì không đủ tiền để trang trải cuộc sống. Nhưng dù không phải là thu nhập chính ở thời điểm hiện tại, thì vẽ truyền thần vẫn sẽ là nghề tay trái, quyết không bỏ hẳn”. Đức Anh trải lòng.

Nhiều người đang lầm tưởng một số cá nhân vẽ chân dung tại các công viên, vườn hoa, khu vui chơi… là vẽ tranh truyền thần. Đức Anh cho biết, đấy là vẽ tranh chân dung, người vẽ thể loại tranh này cũng có thể không qua trường lớp đào tạo bài bản mà mục đích vẽ để kiếm thêm nguồn thu nhập cá nhân.

Công nghệ hiện đại sinh ra là để phục vụ con người chứ không thể thay thế đôi bàn tay của nghệ nhân. Niềm tin ấy như được củng cố thêm khi vẫn có nhiều người tìm tới dòng tranh truyền thần. Có thể nhắc tới câu chuyện cảm động của chị Bùi Kim Chi hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Chị cho biết, ông mình có một người em trai, vì chiến tranh từ thời bé mà thất lạc nhau.

Trớ trêu thay đến một tấm ảnh cũ hay chỉ là những dòng thông tin cơ bản cũng không có bởi thời chiến tranh loạn lạc. Khó khăn nhiều mặt cũng là lúc chị nhớ tới nghệ nhân Bảo Nguyên có tiếng trong nghề, với hy vọng ông có thể vẽ lại chân dung người thân của mình. Chị kể, lúc đầu ông từ chối vì việc này như vẽ một người không tồn tại. Nhưng khi nghe câu chuyện cảm động này, ông đã đồng ý vẽ thử dựa trên miêu tả của gia đình. Và rồi, chị vỡ òa cảm xúc khi chứng kiến giây phút người ông run lên vì xúc động khi cầm trên tay bức vẽ truyền thần chân dung người em của mình, vì từ biểu cảm gương mặt đến nốt ruồi đều quá giống. "Cách đây không lâu, ông ra đi thanh thản, không còn gì nuối tiếc" – chị Chi chia sẻ thêm.

Nghệ nhân Nguyễn Bảo Nguyên chia sẻ, vẽ tranh bằng muội cao su bền màu với thời gian vì chất liệu chỉ gồm nguyên tố cac-bon. Thời gian có thể làm giấy vẽ bị ố vàng chứ không làm mờ đi đường nét của bức tranh. Đó cũng là yếu tố khiến ông tin rằng dù đối mặt nhiều khó khăn, thách thức nhưng nghề vẽ truyền thần sẽ vẫn luôn có những người như ông - đam mê và “sống chết” với nghề:

“Nghề vẽ truyền thần này tất nhiên rồi nó cũng mai một, nhưng đến lúc nó không mai một được nữa thì tất nhiên vẫn còn có những người làm nghề tay trái. Như tôi có một ông bạn làm kiến trúc sư, ông ấy vẫn ngồi ở nhà vẽ tranh truyền thần, không ai biết tiếng cả, chẳng có biển quảng cáo, cũng chẳng có cửa hàng. Ai biết nhờ thì ông vẫn làm, sẽ còn những người như thế. Hà Nội cũng còn những người như thế""- Nghệ nhân tin tưởng.

Nghệ thuật dùng muội than, muội đèn dầu, tăm tre, đũa cuốn bông… để truyền thần thái, hồn cốt của người được vẽ vào tranh chân dung đen trắng là nét độc đáo của nghề truyền thống. Trong dòng chảy của cuộc sống thời công nghệ số, thách thức của nghề vẽ tranh truyền thần sẽ ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, ở thời nào rồi cũng sẽ luôn có những con người như nghệ nhân Nguyễn Bảo Nguyên hay họa sỹ trẻ Đức Anh – đam mê và tìm cách gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của phố nghề Hà Nội.

Nghe nội dung bài viết tại đây