Cụ ông Lưu Chấn Quốc năm nay đã 73 tuổi, sống trong 1 căn hộ có 2 phòng ngủ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Tuổi già ông sống không cần lo lắng về tiền bạc vì chỉ sống một mình nên sinh hoạt phí cũng không nhiều, lại có lương hưu và không phải lo cho bất cứ người con nào.

Ông Quốc có 2 người con, 1 trai, 1 gái nhưng cả 2 đều công tác xa nhà nên ít khi về thăm ông. Con trai của ông Lưu - Tiểu Vương hiện đang làm trưởng phòng của 1 công ty có tiếng, vì thế công việc vô cùng bận rộn. Có những ngày, con trai ông đã hẹn về ăn với ông 1 bữa cơm nhưng lại thất hứa vì có việc đột xuất. Thậm chí, có những ngày ông Lưu đột ngột đổ bệnh, con cũng không thể về thăm ngay được.

Trong khi đó, con gái của ông Lưu cũng có gia đình riêng nên bận chăm lo cho tổ ấm của mình. Con gái độc nhất của ông Lưu kết hôn với 1 người ngoại quốc, khoảng cách địa lý xa xôi nên cũng hiếm khi về thăm ông. Tuy vậy, ông không trách cứ các con, luôn nghĩ rằng con cũng có cuộc sống và gia đình của riêng chúng.

Cuộc sống của ông Lưu cứ bình lặng trôi qua nhưng ông luôn cảm thấy chán chường. Ngay cả khi tới câu lạc bộ người cao tuổi ở địa phương và cùng sinh hoạt, ông vẫn cảm thấy khó hòa nhập. Một ngày, ông Lưu vô tình gặp và có cuộc trao đổi rất hợp với ông Lý. Ông Lý kể rằng, ông không có điều kiện về kinh tế nhưng các con rất hiếu thảo, luôn quây quần cùng nhau. Khi ông cần gì, các con sẵn sàng có mặt bất kể chúng đang làm gì, ở đâu.

Ông Lưu nhận ra trong cuộc sống có thứ đáng sợ hơn cả thiếu tiền. Đó chính là khi chúng ta cảm thấy không có ai thực sự đồng hành với mình nên cuộc sống vô cùng nhàm chán.

Nghe lời khuyên của ông Lý, ông Lưu muốn thử mở lòng 1 lần. Ông không còn nghĩ về việc các con bận rộn hay bản thân cô đơn. Ông thường có mặt ở câu lạc bộ người lớn tuổi, cùng họ trò chuyện, cùng tập thái cực quyền và có thêm nhiều người bạn tốt.

Ông Lưu nghĩ rằng các con và mình đều có cuộc sống riêng. Vì vậy ông dành thời gian để tìm niềm vui trong cuộc sống của chính mình. Bên cạnh việc tìm được những người bạn đồng trang lứa, ông còn quen 1 người phụ nữ họ Vương thường tới câu lạc bộ. Người này kém ông vài tuổi, cuộc sống có nhiều điểm tương tự như ông. Có lẽ vì thế mà 2 người trò chuyện ăn ý, hiểu nhau ngay từ những lần đầu gặp.

Tới nay, ông Lưu đã quen bà Vương gần 1 năm. Cả 2 người giống như người bạn tâm giao, không tái hôn nhưng vẫn chăm sóc và yêu thương nhau. Họ đều nghĩ rằng tái hôn hay không không quan trọng, điều cần nhất là 2 người đối xử với nhau ra sao.

Ở bên cạnh bà Vương cũng khiến cụ ông ngoài 70 tuổi thay đổi nhiều suy nghĩ. Ông tin rằng mình nhìn nhận vấn đề theo hướng nào thì cuộc sống sẽ biến động theo hướng ấy. Nếu như cụ ông này luôn nghĩ tích cực, nhìn vào những gì mình có thì ông sẽ không còn cảm thấy chán chường cuộc sống. Từ khi biết yêu thương bản thân và trân trọng cuộc sống, ông Lưu cảm thấy mình sống có ý nghĩa hơn. Đó cũng là “liều thuốc bổ” giúp ông sống khỏe, vui vẻ và hạnh phúc mỗi ngày.

Theo Phụ nữ số