Bệnh lây qua đường tình dục là những bệnh mắc phải khi quan hệ tình dục, bao gồm quan hệ qua cơ quan sinh dục, hậu môn và bằng miệng. Vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng mang mầm bệnh có thể truyền từ người này sang người khác qua tinh dịch, dịch âm đạo và các dịch tiết khác của cơ thể. Bệnh cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai, sinh nở hoặc qua truyền máu hay dùng chung kim tiêm.

Hiện nay, các nhà khoa học ghi nhận được có khoảng 20 loại bệnh lây qua đường tình dục. Bệnh có số lượng người nhiễm rất lớn, nhất là người trong độ tuổi sinh sản, khó điều trị khỏi hoàn toàn, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống như gây ra các hội chức đau vùng chậu mạn tính, viêm đường sinh dục, về sau này có thể dẫn đến vô sinh.

Viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục cũng như các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nói riêng là một nguyên nhân khá thường gặp trong hoạt động khám và điều trị các bệnh lý về vô sinh hiếm muộn đối với chúng tôi. Hoạt động tình dục của các bạn trẻ hiện nay cởi mở hơn, thoải mái hơn. Tuy nhiên chính điều này lại là nguy cơ gây nên các viêm nhiễm, đặc biệt là các viêm nhiễm qua đường tình dục phát triển nhanh và nhiều hơn, đa dạng hơn - BS Nguyễn Bá Hưng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết.

Các bệnh lây qua đường tình dục đặc biệt như lậu sẽ làm cơ thể tổn thương ngay sau đó vài ngày. Các biểu hiện rất rầm rộ, cậu nhỏ sưng tấy và ra mủ. Nếu không được chữa trị kịp thời thì nó sẽ chuyển từ cấp tính sang mạn tính.

Khi đã chuyển thành mạn tính thì làm cho ống dẫn tinh của nam và ống dẫn trứng của nữ bị viêm tắc, tinh trùng và trứng không thể ra được. Hoạt động thụ thai vì thế sẽ không thể diễn ra như bình thường.

Những viêm nhiễm cũng thể gây áp xe tử cung, áp xe vòi trứng, áp xe khung chậu; viêm nhiễm áp xe ở mào tinh hoàn gây suy giảm tuyến sinh dục tinh hoàn (ở nam giới) và buồng trứng (ở nữ giới). Và một đặc điểm nữa ở bệnh lậu đó là làm hẹp niệu đạo, do đó khi bị lậu mạn và lậu lâu ngày sẽ làm tắc và bí đường đi tiểu, ảnh hưởng rất nhiều hệ lụy khác nhau.

Bệnh giang mai ảnh hưởng nhiều khâu khác nhau trong vô sinh hiếm muộn. Các vi khuẩn giang mai gây tổn hại đến tinh hoàn, đến buồng trứng rồi các viêm nhiễm tại chỗ, các loét chợt sau đó âm thầm tiến triển – gọi là giang mai sâu kín, tức là ảnh hưởng đến các cấu trúc, tổ chức kẽ của không chỉ cơ quan sinh dục mà các cơ quan quan trọng như thần kinh, tim mạch - theo BS Hưng.

Và bố mẹ bị giang mai thì còn có thể làm ảnh hưởng đến đứa trẻ sinh ra sau này, rất nhiều bệnh tật từ bệnh lý giang mai có thể gây ra ví dụ như giang mai bẩm sinh. Trẻ mắc giang mai bẩm sinh thì sinh ra có những bất thường về thần kinh, dị tật về tim mạch, các dị tật về xương, hồng ban trên da ..

Về phía nữ giới, lấy ví dụ một trường hợp viêm âm đạo đơn giản nhưng nếu lâu dần, bị mắc quá nhiều lần, điều trị không triệt để sẽ gặp những khó khăn trong vấn đề thụ thai bởi quá trình viêm huy động các yếu tố về bạch cầu, các phản ứng viêm, thậm chí tinh trùng đi vào là tiêu diệt luôn - BS Nguyễn Bá Hưng phân tích. Ngoài ra viêm nhiễm lâu ngày phát triển làm cho viêm dính dạ con, tắc dính vòi trứng buồng trứng thậm chí áp-xe buồng trứng, suy buồng trứng cũng như nhiễm khuẩn toàn thân.

Trong trường hợp viêm nhẹ và may mắn thụ thai được thì trong quá trình mang bầu thì rất dễ gây đến hiện tượng sảy thai, thai lưu, vỡ ối sớm, đẻ non.

Như vậy, nếu không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ, bệnh lây qua đường tình dục sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng và lâu dài cho sức khỏe. Bệnh thường xuất hiện ở người trong độ tuổi sinh sản, diễn biến âm thầm, khó điều trị, dễ tái phát nên mỗi người cần có biện pháp phòng tránh để bảo vệ chính mình và người thân một cách hiệu quả.

Cụ thể, BS Nguyễn Bá Hưng khuyên bạn nên chung thủy bạn tình, sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục để bảo vệ khỏi nguy cơ bị lây hoặc lây bệnh cho người khác. Mỗi người nên tiêm phòng sớm, trước khi có tiếp xúc tình dục sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong việc ngăn ngừa bệnh. Có vaccine có thể giúp ngăn ngừa virus u nhú ở người (HPV), viêm gan A và viêm gan B. Xây dựng lối sống lành mạnh: một lối sống khoa học sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, giúp mỗi người dự phòng nguy cơ nhiễm bệnh và tăng khả năng chống lại các bệnh truyền nhiễm một cách tích cực.