TS Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học và Vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, các nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động có thể dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng chết người, gây ra những bệnh nghề nghiệp đang rất thường trực tại nơi làm việc. Và trách nhiệm thì không của riêng ai: chủ sử dụng lao động, các cấp quản lý và ngay chính bản thân người lao động.

Từ đầu năm đến nay, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động.

Vụ tai nạn lao động xảy ra hồi đầu tháng 4 tại Công ty than Thống Nhất (Quảng Ninh) làm 4 công nhân tử vong.

Vụ tai nạn lao động ở Nhà máy xi măng thuộc tỉnh Yên Bái ngày 22/4 cũng đã khiến 7 người tử vong và 3 người bị thương.

Gần đây nhất, ngày 1/5, vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng do nổ lò hơi tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gỗ Bình Minh (thuộc ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đã khiến 6 công nhân thiệt mạng và nhiều người khác bị thương phải nhập viện…

Những vụ việc thêm một lần nữa cảnh tỉnh về việc đảm bảo an toàn lao động và an toàn tính mạng cho người lao động.

Khẩu hiệu thường thấy tại mỗi công trường, mỗi nơi làm việc là “An toàn là trên hết”, nhưng trên thực tế, số vụ tai nạn vẫn nhiều, số người thương vong qua hàng năm do mất an toàn lao động vẫn lớn. Theo TS Nguyễn Anh Thơ, nên chăng phải đổi khẩu hiệu này là "An toàn là kiên quyết". Tại Điều 35, Khoản 2 của Hiến pháp năm 2013 cũng có ghi nhận một quyền cơ bản của người lao động đó là được làm việc trong điều kiện an toàn và như vậy chỉ khi nào an toàn mới làm việc.

Ngày 18/9/2013, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 29 về tăng cường công tác đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Mới đây nhất, ngày 19/3/2024, Chỉ thị 31 của Ban Bí thư về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn vệ sinh lao động trong tình hình mới. Điều này cho thấy cơ bản hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện và nhiều ngành, lĩnh vực đã giảm được nguy cơ mất an toàn và tai nạn lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra, các bệnh nghề nghiệp còn nhiều, đặc biệt tập trung ở một số lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ làng nghề, hay doanh nghiệp tư nhân... "Chúng ta cần tập trung quán triệt chỉ đạo của Ban Bí thư: đó là xây dựng được phong trào văn hóa an toàn, phải thúc đẩy việc kiểm soát được nguy cơ rủi ro, ứng dụng những khoa học công nghệ mới và đặc biệt là xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về an toàn sức khỏe của người lao động. Từ đó, có thể đưa ra chính sách cụ thể hơn và những biện pháp tốt hơn, hiệu quả hơn đến từng vị trí làm việc cho người lao động", TS Nguyễn Anh Thơ nhấn mạnh.

Nền tảng cốt lõi mang ý nghĩa quyết định của văn hóa doanh nghiệp là “Vì con người”, trong đó, việc tạo môi trường làm việc an toàn, đảm bảo vệ sinh lao động để bảo vệ người lao động an tâm sản xuất là một trong những mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp.

Vì vậy, xây dựng “Văn hóa an toàn lao động” là một ý tưởng mới trong hệ thống doanh nghiệp hiện nay và được xem như là chương trình hành động cụ thể nhằm nỗ lực thực thi bảo đảm an toàn lao động.

Hậu quả, thậm chí tàn khốc từ tai nạn lao động là điều mà bất cứ ai cũng có thể thấy. Quan trọng là phải làm sao để có thể giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ việc đau lòng như đã xảy ra thời gian qua. Đây là câu hỏi lớn mà các cơ quan chức năng cần tập trung tìm ra những giải pháp mang tính quyết liệt và đồng bộ.

Tuy nhiên, trước hết, mỗi người lao động cần nghiêm túc tuân thủ các quy định trong quá trình sản xuất để tạo nên một môi trường làm việc an toàn và vì chính sức khỏe, tính mạng của bản thân và những người xung quanh.

Nghe âm thanh tại đây: