Ba Chương trình Mục tiêu Quốc gia gồm: Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, ba Chương trình Mục tiêu Quốc gia vẫn còn có một số vướng mắc, điểm nghẽn khiến cho việc triển khai chưa thực sự hiệu quả, kinh tế - xã hội ở một số địa phương phát triển chậm, không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhận định, cả ba Chương trình Mục tiêu Quốc gia đều mang tính nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, việc giải ngân còn chậm trễ.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển GDP mà còn ảnh hưởng tới việc bảo đảm cuộc sống, sinh kế của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một trong những nguyên nhân đó là do ách tắc từ cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện còn vướng mắc.

“Đó là một chính sách rất nhân văn mà lại làm người dân không thụ hưởng là lỗi của công tác điều hành. Mong rằng sau khi có nghị quyết của Quốc hội thì cụ thể từng địa phương, bộ, ngành quan tâm để làm sao giải ngân cho sớm và người dân được thụ hưởng”, đại biểu Phạm Văn Hòa khẳng định.

Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia và cần phải được thực hiện ngay từ đầu năm 2024. Hơn nữa, khi Nghị quyết được thông qua, phải tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được và các địa phương, cơ sở phối hợp, triển khai theo đúng thẩm quyền, chức năng nhằm sớm đưa chính sách vào cuộc sống.

Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia gồm 6 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nội dung các cơ chế đặc thù, tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành.

Trong đó có 8 cơ chế đặc thù bao gồm: phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm của chương trình mục tiêu quốc gia, ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất, quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư một phần kinh phí, phần còn lại do Nhân dân đóng góp, có sự tham gia giám sát của Nhân dân.

Đánh giá về dự thảo nghị quyết, đa số các đại biểu đều bày tỏ sự tán thành với các nội dung nghị quyết. Điều này sẽ giúp các địa phương thụ hưởng các chương trình mục tiêu quốc gia tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên - Huế, Dự thảo Nghị quyết có những nội dung liên quan đến liên ngành, cũng như nhiều nội dung chưa có tiền lệ. Chính vì vậy, để xây dựng được dự thảo, ban soạn thảo và các cơ quan liên quan đã trải qua nhiều khó khăn để hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội xem xét thông qua.

Việc thông qua nghị quyết tại kỳ họp này chính là khẳng định chất lượng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đối với những đối tượng phần lớn là người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, miền núi, từ đó tạo được niềm tin trong nhân dân.

Tại Dự thảo Nghị quyết, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh: Phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch, dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao. Cơ cấu nguồn vốn giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung cho dự án thành phần khác của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua thực tiễn kiếm tra, giám sát các địa phương, đại biểu Hà Thị Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhận thấy rằng, việc phân cấp cho địa phương có thể phát sinh tình trạng sau khi được phân cấp, địa phương sẽ ưu tiên nguồn vốn để đầu tư cho một số hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng mà chưa có sự quan tâm thỏa đáng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách theo mục tiêu mà Quốc hội giao tại các Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư cho từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Do đó, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị cần rất quan tâm trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết cũng như đảm bảo quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hàng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia thì chi tiết đến dự án thành phần trên nguyên tắc đó là đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, chế độ, chính sách cho các đối tượng hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia quan tâm tới giới và bình đẳng giới.

Việc thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng cần căn cứ vào tình hình thực tế về đối tượng, địa bàn, nhu cầu, bảo đảm nguyên tắc trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục, thứ tự ưu tiên phân bổ vốn theo quy định, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.