Xây dựng chiến lược nội dung: Áp lực từ khách hàng và chính bản thân mình

8h sáng, Bùi Minh Trang– một content writer (người viết nội dung) bắt đầu công việc của mình. Không cần đến văn phòng, địa điểm làm việc của Trang có khi tại nhà, có khi lại là một quán cà phê yên tĩnh. Cô là người xây dựng chiến lược nội dung cho doanh nghiệp và làm việc tự do.

Khi nhận một dự án từ doanh nghiệp, content writer sẽ phải tìm hiểu thông tin về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ mục tiêu và ngân sách của dự án. Tiếp đó, Trang sẽ nghiên cứu thị trường, đối thủ cạnh tranh, đối tượng mục tiêu, xây dựng kế hoạch nội dung, kế hoạch tổng thể, chiến lược dài hạn. Từ đó, xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai chiến lược nội dung, kèm các công cụ đo lường, tối ưu content...

Với đặc thù xây dựng chiến lược nội dung, Trang được tiếp xúc với nhiều kiến thức mới, biết về quá trình tạo ra sản phẩm của doanh nghiệp.

“Khi làm nội dung tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, mình hỏi lý do xây dựng thương hiệu, có chủ doanh nghiệp nói: chỉ thấy sản phẩm này kiếm ra tiền thì làm. Lúc đó, mình sẽ là người giúp họ tạo ra sự khác biệt và có câu chuyện của riêng mình”, Trang chia sẻ, content writer cũng như cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng.

Làm content marketing không chỉ viết mà còn là làm định dạng hình ảnh, video. Còn content writer thì quan trọng nhất vẫn là khả năng viết lách. Kỹ năng này có thể cải thiện thông qua việc đọc sách.

Tốt nghiệp đại học ngành Tài Chính-Ngân Hàng từ năm 2015, Trang nói thời điểm đó “content” trong marketing vẫn còn là một khái niệm lạ, thậm chí không được đào tạo. Vậy nhưng sau hơn 8 năm trong nghề, Trang đã có công việc ổn định với tệp khách hàng khá thường xuyên.

Một năm mình hợp tác với 10 đơn vị, có đơn vị đồng hành 1- 2 tháng, 6 tháng, 1 năm nhưng cũng có những dự án ngắn ngày ví dụ book (đặt hàng) một bài PR báo chí 5 bài/ lần. Còn những người làm SEO có thể book 1 lần 60-100 bài tùy nhu cầu khách hàng.

Xử lý công việc trên máy tính, ở một góc quán cà phê thật “chill” - hình dung đó không sai khi nghĩ đến một người làm content marketing, thế nhưng công việc đó có những áp lực vô hình.

Có khách hàng muốn bài viết của mình chuyển đổi để ra đơn ngay nhằm tăng doanh thu nhưng không phải lúc nào mục tiêu của họ cũng được đáp ứng. Những lúc như vậy, có thể khách hàng sẽ cảm thấy không hài lòng hoặc có những phản hồi không tốt.

Áp lực có thể đến từ phía khách hàng nhưng đôi khi cũng xuất phát từ phía chính bản thân. “Nếu như viết lách tự do, bạn có thể làm theo cảm hứng nhưng khi viết để kiếm tiền thì lại là câu chuyện khác. Có những khoảng thời gian mình viết những bài lặp đi lặp lại liên tục. Từ sáng đến tối vẫn một chủ đề đó, mình cảm thấy năng lượng bị rút kiệt”, Trang kể.

Tuy nhiên, những khoảng thời gian khủng hoảng ấy rồi sẽ qua nếu bạn kiên trì. Khi chán nản với nghề viết, hãy chậm lại, tự cho mình những ngày nghỉ ngơi, dọn dẹp không gian sống, du lịch để lấy lại nguồn cảm hứng. “Để tạo thêm động lực hãy theo dõi những người có tiếng vang, những bạn trẻ nhưng sở hữu thương hiệu cá nhận được nhiều người theo dõi, đọc bài của bạn ấy mình thấy có nhiều động lực”. Trang chia sẻ cách mà một content writer “sống sót” sau mỗi lần tụt "mood".

Cũng làm content marketing cho các doanh nghiệp nhưng Kiều Quang Hà, sinh viên một trường cao đẳng ở Hà Nội chuyên hoạt động trên nền tảng TikTok. Sở hữu một kênh TikTok trên 3 triệu follower, Hà được các doanh nghiệp biết đến và ký hợp đồng quảng bá cho các sản phẩm của nhãn hàng.

“Lớp 12 em bắt đầu làm TikTok cho vui nhưng không ngờ lên xu hướng. Bất ngờ hơn nữa là nhiều nhãn hàng gọi điện, nhắn tin cho em qua mail, instagram nhờ em booking”, Hà kể.

Công việc sáng tạo nội dung cho các chiến dịch marketing của nhãn hàng mang về cho Hà một khoản thu nhập tốt ở thời điểm vẫn là sinh viên đại học. Hồi mới làm công việc này, Hà được trả 500.000 đồng cho một lần booking. Còn bây giờ con số này thường dao động từ 5-6 triệu/lần.

Nhưng làm content creator (người sáng tạo nội dung), Hà cũng không ít lần gặp những lời chê trách khiếm nhã trên nền tảng số. “Áp lực nhất là antifan, nhiều người nói xấu, chê bai. Có khoảng thời gian em từ bỏ công việc này vì cảm thấy quá áp lực”.

Mức thù lao hậu hĩnh cho những người "cứng" nghề

Đến nay, với sự phát triển như vũ bão của digital marketing, cộng đồng làm content ngày càng đông đảo. Khả năng sáng tạo vô tận trên các nền tảng số của những người làm “nội dung” giúp định vị thương hiệu doanh nghiệp trong lòng công chúng.

Content là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ hoạt động marketing. Trong thời đại số, doanh nghiệp sẽ không còn tiếp cận khách hàng theo những phương thức truyền thống. Thay vào đó, các kênh thông tin điện tử sẽ được sử dụng, có thể kể đến như: Email, Website, Facebook. Thông qua những nền tảng kỹ thuật số, các chuyên gia Marketing sẽ xây dựng và củng cố hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp. Đó chính là Digital Marketing.

Theo thầy Đặng Đình Đại, giảng viên nghề Thương mại điện tử, Khoa Kinh tế - Quản lý, Trường Cao đẳng Nghề Bách Khoa Hà Nội, marketing số đang là lĩnh vực lên ngôi trong những năm gần đây vì giúp tiết kiệm ngân sách, chi phí cho doanh nghiệp và mang lại hiệu quả đầu tư cao. Học marketing số, sinh viên có thể làm SEO, content creator, streamer, tiktoker...

Những năm gần đây, thị trường lao động luôn thiếu người có chuyên môn. Theo quan sát, với những sinh viên được đào tạo bài bản, muốn làm việc lâu dài với doanh nghiệp có thể tìm được việc ngay sau khi tốt nghiệp, thậm chí khi đang thực tập tại doanh nghiệp.

Trên thị trường, các bạn mới vào nghề thì có thể nhận mức lương 6-12 triệu đồng/tháng. Khi biết tự chạy dự án cho các doanh nghiệp thì mức thu nhập có thể lên 15-20 triệu đồng/tháng. Với những người “cứng” nghề, chịu được áp lực công việc và đảm nhận vị trí leader hoặc tự chạy doanh nghiệp ngoài thì thu nhập có khi dao động từ 40-100 triệu đồng. “Đa phần khi các bạn rất cứng và kỷ luật bản thân tốt sẽ làm freelancer”, thầy Đại nói.

Nghe bài viết tại đây: