Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thị trường lao động việc làm vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng khiến cuộc sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đã và đang trở thành chỗ dựa vững chắc, giúp họ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và quay lại thị trường lao động.

Chị Nguyễn Hồng Ngọc, quê ở Bắc Giang làm việc trong chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh ở Hà Nội gần 5 năm nay. Do tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, nơi làm việc cắt giảm nhân lực khiến chị Ngọc bị mất việc làm. Thời gian gần đây, chị Ngọc tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nộp hồ sơ xin đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

“Xin nghỉ việc về tôi được bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ gia đình tôi trang trải cuộc sống, vơi bớt khó khăn” - chị Ngọc chia sẻ.

Giống như chị Ngọc, chị Bùi Thị Linh, quê Hà Nam cũng mới nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền gần 3 triệu đồng.

Chị Linh cho biết “Trong khoảng thời gian mình nghỉ làm, bảo hiểm thất nghiệp giúp ích rất nhiều, không chỉ về tài chính mà còn giúp mình tìm kiếm công việc phù hợp hơn”.

Với nhiều người lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thực sự tạo ra chỗ dựa về vật chất và tinh thần, giúp họ ổn định cuộc sống trong thời gian nghỉ việc khi chưa tìm được việc làm và tạo cơ hội cho họ học nghề, tìm kiếm công việc mới.

Đối với người sử dụng lao động như ông Lê Thanh Thủy, Giám đốc Công ty giầy Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc thì Bảo hiểm thất nghiệp giúp chia sẻ gánh nặng kinh tế, tài chính khi họ không phải mất thêm một khoản chi để giải quyết chế độ cho những lao động nghỉ việc. Nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn, buộc phải thu hẹp sản xuất, nhiều người lao động bị mất việc làm.

“Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp và người lao động, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay” - ông Thủy chia sẻ.

Trước thực trạng nhiều người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã chủ động tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, các cơ quan chi trả còn hỗ trợ, kết nối kịp thời cho người lao động có thêm nguồn thông tin đầy đủ, giúp họ nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khẳng định: “Trung tâm nỗ lực thực hiện nhanh nhất, tập trung nguồn lực hỗ trợ kịp thời cho người lao động đang thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp”.

Trao đổi với PV VOV2, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, liên tục từ năm 2015 đến nay, số tiền bổ sung vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tăng bình quân 15%/năm. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân hiện nay là hơn 3,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 3,5% so với mức hơn 3,2 triệu đồng của cùng kỳ năm 2021.

Trong 7 tháng đầu năm 2023 (từ 01/01-18/7/2023), số người đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là hơn 620 nghìn ngưởi, tăng 11,25% so với cùng kỳ năm 2022; Số quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 577 nghìn người, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022; Tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là hơn 1 triệu hai trăm nghìn lượt người tăng 2,17% so với cùng kỳ năm 2022; Số người được hỗ trợ học nghề là hơn 12 nghìn người, tăng 5,24% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong hơn 2 năm đại địch Covid-19, Bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy hiệu quả giúp người lao động duy trì cuộc sống, đồng thời cung cấp thông tin để họ sớm quay trở lại thị trường lao động. Trong bối cảnh hiện nay với ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, nhiều lao động bị thất nghiệp thì chính sách bảo hiểm thất nghiệp lại càng có vai trò quan trọng. Bởi đây là một chính sách bảo hiểm được thiết kế để cung cấp, hỗ trợ tài chính cho những người thất nghiệp.

Ông Trần Tuấn Tú cho biết, khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Ngoài ra, theo Luật Việc làm, người lao động còn được hưởng chế độ BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp; được hỗ trợ chi phí học nghề; được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Theo thống kê hiện có hơn 1 triệu lao động mất việc làm. Rõ ràng bảo hiểm thất nghiệp là chính sách ưu việt, người lao động nên tham gia để được hưởng nhiều quyền lợi. Trong đó, việc hỗ trợ người lao động tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm là một trong những ưu điểm lớn của Bảo hiểm thất nghiệp, tuy nhiên trên thực tế để thực hiện được điều này không dễ.

Dù đạt nhiều kết quả, song đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động. Một số vướng mắc, bất cập có thể kể đến như: chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn bó với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp về đào tạo nghề, phòng ngừa thất nghiệp, duy trì việc làm. Thực tế còn xảy ra tình trạng cố tình hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định, trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp gây ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Với tinh thần quản trị rủi ro nhằm chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng nước ta cần sớm hoàn thiện chính sách về bảo hiểm thất nghiệp để tháo gỡ những bất cập, khó khăn.

Một trong những nội dung trọng tâm của hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) là các quy định liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó có đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ 1 tháng trở lên.

Ông Trần Tuấn Tú phân tích thêm, việc mở rộng phạm vi đối tượng bảo hiểm thất nghiệp được đầy đủ, đảm bảo công bằng và phù hợp với quy định chung của pháp luật quốc tế. Bên cạnh đó, cần xây dựng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện đối với người lao động nước ngoài đang làm việc theo hợp đồng lao động tại Việt Nam để đảm bảo sự bình đẳng giữa lao động trong nước và quốc tế, thúc đẩy sự hợp tác và phát triển thị trường lao động chung đồng thời cũng góp phần bổ sung vào nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Tại Diễn đàn người lao động 2023 tại Hội trường Diên Hồng ngày 28/7 mới đây, có ý kiến cho rằng nguồn quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn trong khi mức trợ cấp cho người lao động thấp. Một số công nhân kiến nghị Quốc hội sửa luật theo hướng tăng tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm mức đóng vào quỹ dưới 1%. Đề cập vấn đề này, ông Tú cho rằng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư khá lớn là do tồn tích từ những năm trước, mức chi thấp và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 1%. Đến năm 2021 trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid 19, Quỹ đã trích hơn 41.000 tỷ đồng hỗ trợ các nhóm lao động khó khăn và miễn đóng cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Không chỉ có một khoản trợ cấp trong giai đoạn khó khăn, người lao động còn được hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ sớm có việc làm và ổn định cuộc sống.

Với chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động yên tâm phần nào về cuộc sống để có thể tìm kiếm một công việc mới ổn định và tiến đến việc cải thiện đời sống của bản thân và gia đình. Tuy nhiên, để bảo hiểm thất nghiệp thực sự là điểm tựa cho người lao động đòi hỏi chính sách này ngày càng phải hoàn thiện và đổi mới để phù hợp với tình hình kinh tế khó khăn hiện tại, kịp thời hỗ trợ người lao động đang mất việc làm./.