Hội thảo do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Điện Biên tổ chức.

Dự và chủ trì Hội thảo có Đại tướng Lương Cường, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Thường vụ Quân uỷ Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng các đồng chí Uỷ viên BCH TW Đảng.

Hội thảo còn có sự tham dự của gần 500 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành TW; các tướng lĩnh, sĩ quan, lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các học viện, viện nghiên cứu, chuyên gia, các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử là những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Đại tướng Lương Cường, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Thường vụ Quân uỷ Trung ương, Chủ tịch Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: Cuộc Hội thảo khoa học hôm nay là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024); là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến đồng bào, đồng chí đã chiến đấu và anh dũng hy sinh quên mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

“Kết quả Hội thảo sẽ một lần nữa khẳng định đường lối đúng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ; ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng yêu nước nồng nàn, sức mạnh chính trị tinh thần to lớn của dân tộc; sự độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam; làm sâu sắc hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử; tiếp tục củng cố niềm tự hào, tự tôn dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối của toàn dân, toàn quân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN thân yêu của chúng ta”, Đại tướng Lương Cường khẳng định.

Hội thảo cũng đã phân tích, làm rõ sự phối hợp của các chiến trường trong cả nước với Điện Biên Phủ; của các lực lượng vũ trang và nhân dân Tây Bắc nói riêng, cả nước nói chung; vai trò, đóng góp của hậu phương, căn cứ địa cách mạng và tinh thần ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Đồng thời, nhấn mạnh tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, cũng như sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, của chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự đặc sắc của Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu - người từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ: Tinh thần quyết chiến quyết thắng của Chiến dịch ĐBP không chỉ thể hiện trong những trận đánh, mà là ở cả những ngày không chiến đấu, tức những lúc đào hào, tiến về phía địch, khoét sâu, tiến sát vào tâm hào của địch, đó là cách đánh đặc biệt ở ĐBP. Mình không lùi bước trước bất cứ khó khăn gian khổ nào, không chỉ trong 56 ngày đêm chiến đấu, mà trong suốt 3 tháng trước ta đã lao động kịch liệt, kéo pháo vào, kéo pháo ra... Và tinh thần ấy là do Bác Hồ tặng lá cờ quyết chiến, quyết thắng cho các đơn vị trước khi xuất quân, chiến đấu.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Quốc Cường, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Điện Biên cũng cho biết: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Khu ủy Tây Bắc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Tây Bắc nói chung và tỉnh Lai Châu, nay là 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu nói riêng đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, đóng góp sức người, sức của tham gia chiến dịch. Trong điều kiện đời sống còn vô cùng thiếu thốn, nhưng đồng bào sẵn sàng nhường lương thực cho bộ đội, để cả nước cùng ra trận, để tất cả cho chiến thắng.

Hơn 100 bài tham luận được biên soạn, đưa vào kỷ yếu, trong đó có 9 tham luận được trình bày tại hội thảo cũng khẳng định chủ trương chiến lược đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo toàn dân kháng chiến, cũng như sự chỉ đạo và điều hành chiến tranh của Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh; quá trình chuẩn bị và xây dựng lực lượng, bảo đảm hậu cần... cho chiến dịch toàn thắng.

Bế mạc Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Hội thảo hôm nay đã bổ sung những tư liệu, sự kiện cùng những nhận định, đánh giá quan trọng, khẳng định và làm sâu sắc thêm tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Kết quả của Hội thảo cùng cuốn Kỷ yếu cuộc Hội thảo khoa học lần này sẽ tiếp tục được tuyên truyền rộng rãi. Đây là tài liệu nghiên cứu, tuyên truyền, học tập có giá trị; các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong quân đội cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, để các kết quả nghiên cứu nêu trên được hiện thực hóa đầy đủ, sâu sắc hơn nữa trong thực tiễn.

Vũ Lợi - Lê Hạnh/VOV Tây Bắc