Những ngày này, hàng triệu trái tim từ mọi miền Tổ quốc hướng về ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Thế hệ được sống trong nền hòa bình hôm nay mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và quân dân cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tri ân công lao, sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam long trọng tổ chức cuộc gặp mặt với gần 300 cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chương trình góp phần khơi dậy truyền thống lịch sử, giáo dục lý tưởng cách mạnh, lòng tự hào dân tộc và tinh thần đại đoàn kết trong thế hệ trẻ.

Tại buổi gặp mặt các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, anh Phạm Văn Diện, cán bộ Thành đoàn Hà Nội được giao nhiệm vụ phụ trách, phân công đội tình nguyện viên phục vụ chương trình. Được tham gia một chương trình kỷ niệm lớn, anh Diện có dịp chứng kiến những khoảnh khắc xúc động, xen lẫn những giây phút đầy tự hào về Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Anh Diện chia sẻ: “Tôi rất tâm đắc với hai câu nói. Câu nói của một bác cựu chiến binh “Các bạn tình nguyện viên thủ đô nhiệt tình lắm, như con của mình đón ở sân bay. Câu thứ hai các bạn tình nguyện nói là “Không có các bác không có bọn cháu hôm nay”.

Chương trình đã để lại cho thế hệ trẻ nhiều cảm xúc, vinh dự và trách nhiệm để nguyện viết tiếp khát vọng non sông.

“Với nhiều bác, đây có thể là lần gặp nhau cuối của đời người. Một số bác đã không thể đi được. Số lượng các bác cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong ngày càng giảm” - anh Diện mong muốn Đảng, Nhà nước và các cấp lãnh đạo sẽ tổ chức nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa để các bác có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ hơn nữa.

Lương Mai Ngân, cán bộ quận Đoàn Tây Hồ và Bạch Thanh Trà, sinh viên trường Đại học giao thông vận tải vinh dự khi được gặp gỡ, trò chuyện với các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những con người không tiếc máu xương và tuổi thanh xuân của mình làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

“Chúng em mong muốn các bác cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong sẽ luôn luôn khỏe mạnh để tham gia nhiều chương trình kỷ niệm những năm tiếp theo. Chúng em mong muốn được hỗ trợ các bác trong nhiều chương trình gặp mặt nữa” - Lương Mai Ngân, cán bộ quận Đoàn Tây Hồ chia sẻ.

Với những câu chuyện xúc động về Chiến thắng vĩ đại, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã kết nối những giá trị lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc với thế hệ trẻ mang trong mình tình yêu và trách nhiệm hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển đất nước.

Cựu chiến binh Lê Minh hiện thường trú ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã vượt hàng nghìn cây số ra Hà Nội để dự buổi gặp mặt. Không chỉ được ôn lại truyền thống, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi câu chuyện của những người lính cựu còn giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về ý chí kiên cường, vượt mọi gian khổ hy sinh của quân và dân ta, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc.

Cựu chiến binh Lê Minh cho rằng “Giáo dục thế hệ trẻ là rất quan trọng, để các con các cháu hiểu được sự hy sinh to lớn của cha anh đã cống hiến để có ngày hôm nay”.

Thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu của mình để giành lại mùa xuân cho đất nước. Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Hữu Nhược mong rằng, thế hệ sau sẽ tiếp tục kế thừa, giữ trọn lời hứa, quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn. “Tôi muốn các con, các cháu, thế hệ trẻ cố gắng giữ truyền thống của chúng tôi khi xưa, làm việc gì cũng cố gắng làm tốt”, ông Nhược nói.

Bạn trẻ Nguyễn Hoài An ở Thái Bình có ông nội là chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Được nghe ông kể những kỷ niệm sâu sắc, hồi ức về cuộc chiến đấu cam go, ác liệt của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, An luôn ý thức về lòng biết ơn, tự hào và những việc làm thiết thực để tiếp nối truyền thống cha ông.

An cho biết “Từ nhỏ em được ông bà, cha mẹ dạy dỗ về tình yêu quê hương, đất nước, tự hào về cội nguồn dân tộc. Em biết ơn những thế hệ đi trước đã hy sinh, gây dựng nền hòa bình hôm nay”.

Thế hệ hôm nay, dù trên cương vị nào, mỗi người đều luôn ý thức và biết ơn sự hy sinh của cha anh trong công cuộc dựng nước và giữ nước, từ đó luôn cố gắng, nỗ lực học tập, rèn luyện để mang lại những giá trị tốt đẹp cho quê hương, đất nước./.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm tuyên truyền về lịch sử, tầm vóc và giá trị vĩ đại của Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”:

# Chương trình vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở Đài tưởng niệm trên đường Bắc Sơn tại Hà Nội vào 7h30 sáng ngày 06/5/2024; Lễ viếng các Anh hùng liệt sĩ, thăm các di tích lịch sử tại Thành phố Điện Biên Phủ vào 14h00 ngày 06/5/2024.

# Chương trình nghệ thuật đặc biệt tổ chức vào 20h00 ngày 06/5/2024 tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với tỉnh Điện Biên thực hiện; có bắn pháo hoa nổ tầm cao sau khi kết thúc chương trình. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam và phát sóng tới tất cả các địa phương trên toàn quốc.

# Sáng nay (ngày 07/5/2024), Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức với bốn lực lượng: Lực lượng pháo lễ, Lực lượng Không quân bay chào mừng, lượng lượng diễu binh, diễu hành, Lực lượng đứng trên sân hơn 12.000 người. Trong đó điểm nhấn của Lễ diễu binh, diễu hành là có sự tham gia của Lực lượng pháo lễ gồm 18 khẩu lựu pháo 105 và 12 Máy bay trực thăng của Lực lượng Không quân bay qua khán đài. Chương trình Lễ diễu binh, diễu hành bắt đầu bằng 21 loạt pháo trên nền Quốc thiều nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.