Cán bộ phường, xã kiêm nhiệm nhân viên CTXH

Ngồi ở phòng tiếp dân nhưng ông Lê Minh Thảo, công chức Tư pháp phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội còn kiêm nhiệm thêm khá nhiều phần việc vốn dĩ của người làm công tác xã hội. Ngoài tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, một trong những công việc ông phụ trách chính là theo dõi hoạt động của các tổ hòa giải cơ sở.

Những vấn đề phát sinh trong cuộc sống thường nhật ở các khu dân cư phần lớn đều có thể giải quyết tại chỗ nhờ vào lực lượng cộng tác viên gồm những người cao tuổi, các cán bộ hưu trí có trình độ, có tiếng nói và đặc biệt có kinh nghiệm.

Ở một địa bàn được đánh giá có mặt bằng đời sống cũng như dân trí cao, đôi khi những mâu thuẫn lại có những đặc thù riêng. Nhiều trường hợp càng trình độ cao, mâu thuẫn lại trở nên khó giải quyết bởi sự tự tin của người trong cuộc và khả năng hiểu luật. Lúc này buộc cán bộ, công chức các tổ hòa giải cơ sở phải là người hiểu biết và có uy tín xuống tận nơi động viên, giải thích.

“Liên quan đến hoạt động xã hội cũng như công tác tư pháp thì trước tiên bản thân mình thì cũng phải cập nhật thường xuyên những văn bản quy định của Nhà nước, các Bộ luật ban hành mới có thể giải quyết những vấn đề phát sinh, các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư”, ông Thảo cho biết.

Chị Vũ Thúy My, cán bộ tư pháp hộ tịch phường Vĩnh Phúc cũng được giao thêm nhiều phần việc mang tính kiêm nhiệm khi phường không có chỉ tiêu tuyển cán bộ chuyên trách công tác xã hội. Ngoài việc ngồi ở vị trí một cửa, chị My tham gia công tác hòa giải. Nhờ đội ngũ cộng tác viên dày dặn kinh nghiệm, có uy tín trải đều ở 18 tổ dân cư, công việc của chị My cũng như các đồng nghiệp được thuận lợi hơn.

Phường Vĩnh Phúc trong những năm gần đây không có chỉ tiêu tuyển mới nên hầu hết cán bộ đều kiêm nhiệm thêm vài ba phần việc khác nhau. Trong đó theo chị My, những việc như phụ trách tổ hòa giải, theo dõi các hộ gia đình khó khăn, thăm hỏi thường xuyên gia đình chính sách nếu có cán bộ công tác xã hội sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ như những gia đình neo đơn, gia đình có công hiện nay do công việc kiêm nhiệm nên cũng chỉ có thể dừng ở việc thăm hỏi, động viên vào dịp lễ, tết hoặc những ngày kỉ niệm đặc biệt. Còn công việc kết nối, hỗ trợ các trường hợp cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn hằng ngày như công ăn việc làm, khám chữa bệnh, tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ.. là điều chưa thể thực hiện được.

Làm giảng viên ngành công tác xã hội tại khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Th.s Vũ Thị Thanh Nga tham gia khá nhiều chương trình tập huấn cho cán bộ bảo vệ trẻ em cấp xã, phường các chuyên đề về phòng chống bạo lực gia đình hay trợ giúp xã hội. Qua quá trình làm việc, chị Nga nhận thấy phần lớn công tác xã hội ở cấp hành chính cơ sở đều đang được giao kiêm nhiệm. Phần lớn họ là người dân tại địa phương nên rất am hiểu văn hóa, phong tục tập quán trên địa bàn, dễ dàng tiếp cận được với những đối tượng trợ giúp cũng như có được cách thức thể giao tiếp, tổ chức các hoạt động và thu hút được sự ủng hộ của họ của người dân trong cộng đồng.

Tuy nhiên, lực lượng kiêm nhiệm cũng có những mặt hạn chế khi chưa được đào tạo đúng chuyên ngành công tác xã hội, phần lớn vẫn làm việc theo kinh nghiệm và cảm tính mà thiếu đi kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện công tác trợ giúp đỡ một cách chuyên nghiệp, đặc biệt sự hạn chế về hệ thống các văn bản luật pháp, chính sách cho từng đối tượng xã hội dẫn tới những lúng túng khi vận dụng vào hoạt động hỗ trợ những đối tượng tại cộng đồng.

Công tác ở phường xã hoạt động rộng với những đặc thù riêng

Trần Thị Thương Thương, bí thư đoàn xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội tốt nghiệp chuyên ngành công tác xã hội từ 6 năm trước. Về xã công tác, Thương tự thấy bản thân có khả năng cũng như yêu thích công việc và nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo xã, bạn tham gia công tác đoàn thanh niên ở địa phương. Chuyên ngành đào tạo và công việc từ thời điểm tốt nghiệp đến hiện tại phù hợp đã giúp Thương trưởng thành nhanh chóng cũng như tìm được nhiều niềm vui. Gần đây, theo đề án chuyển đổi của thành phố, xã Yên Viên cùng huyện Gia Lâm đang trong hành trình chuyển đổi lên đơn vị hành chính phường và quận. Công việc ở các phòng ban bề bộn. Và chính lúc này, Thương còn có thể hỗ trợ các anh chị em đồng nghiệp trong những phần việc liên quan đến chuyên ngành công tác xã hội như trực một cửa ở trụ sở UBND xã, tiếp nhận hồ sơ mảng lao động thương binh xã hội để giải quyết chế độ...

Để đáp ứng yêu cầu công việc hiện tại và có những thay đổi lớn trong tương lai gần, Thương cho biết ngay ở xã Yên Viên nơi bạn đang công tác, đã có những cán bộ được đào tạo chuyên ngành công tác xã hội được tuyển dụng và cũng có những đồng nghiệp được cử đi học thêm nghiệp vụ công tác xã hội.

Những sinh viên ngành công tác xã hội hiện đã có nhiều lựa chọn từ chuyên ngành được đào tạo, không chỉ khuôn gọn ở bệnh viện hay trường học. Điều này cũng phần nào cho thấy ngành công tác xã hội đã và đang được nhìn nhận và đánh giá đúng khi xã hội phát triển và hướng tới chuyên nghiệp hóa.

Theo Th.s Vũ Thị Thanh Nga, giảng viên ngành công tác xã hội tại khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Thủ đô Hà Nội, chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội tại các trường đại học đều có những học phần liên quan tới vị trí việc làm cấp xã, phường. Cụ thể như về an sinh xã hội với người khuyết tật, hộ gia đình chính sách... Trong đó phải kể đến việc kết hợp nội dung lý thuyết trên lớp gắn với thực hành bằng việc đưa sinh viên xuống các Ủy ban nhân dân xã, phường tham quan, tìm hiểu vị trí việc làm ngay tại cơ sở.

Cán bộ công tác xã hội ở xã, phường theo Th.s Thanh Nga khá đặc thù khi yêu cầu tiếp xúc trực tiếp với người dân trong cộng đồng. Điều này không chỉ đòi hỏi sinh viên những kỹ năng chuyên môn mà còn yêu cầu thêm những kỹ năng về giao tiếp cộng đồng, về văn hóa địa phương, khả năng giao tiếp với nhiều đối tượng khác nhau cùng sự am hiểu về chính sách Luật pháp, chính sách về an sinh xã hội, sự kết nối với các nguồn lực tại địa phương để xây dựng một chương trình hỗ trợ, tư vấn chính sách hoặc biện hộ chính sách cho người dân tại cộng đồng.

“So với các bạn làm ở doanh nghiệp hay tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực công tác xã hội cán bộ công tác xã hội ở xã, phường đặc thù công việc rất khác. Thông thường các bạn sẽ phụ trách công tác về văn hóa xã hội, chính sách an sinh trợ giúp cho những đối tượng yếu thế tại địa phương. Đối tượng tiếp cận rất đa dạng, có thể theo độ tuổi, có người khuyết tật, có phụ nữ đơn thân, thậm chí cả những đối tượng là người nghiện ma túy... Áp lực công việc khá lớn nhưng đổi lại, các bạn trẻ ngành công tác xã hội có cơ hội sớm trưởng thành về nghề nghiệp”, Th.s Thanh Nga phân tích.

Với tính chất công việc rất đa dạng, các bạn trẻ lựa chọn học ngành công tác xã hội cũng sẽ phải chuẩn bị cho mình những năng lực liên quan để có thể thực hiện tốt công việc này. Ngoài sự đam mê nhiệt huyết, lòng trắc ẩn, để mong muốn trợ giúp những cá nhân nhóm cộng đồng yếu thế, các bạn cần chuẩn bị cho mình những kiến thức về văn hóa cộng đồng, chính sách về an sinh xã hội, tâm lý.

Về mặt kỹ năng, những bạn sinh viên ngành công tác xã hội cần rèn luyện khả năng giao tiếp với môi trường đa văn hóa, tiếp xúc với nhiều đối tượng, tầng lớp khác nhau, thu nhập mức sống khác nhau, độ tuổi khác nhau. Thứ hai, các bạn phải có được kỹ năng liên quan đến đàm phán và thuyết phục.

Tiếp theo là kỹ năng kết nối nguồn lực nhằm giải quyết những vấn đề của cộng đồng.

Ví dụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, cần thiết phải cách ly khỏi gia đình thì phải tìm một môi trường chăm sóc thay thế. Nhân viên công tác xã hội phải có hệ thống địa chỉ chăm sóc thay thế để kết nối, rồi làm những thủ tục liên quan về pháp luật để bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân, chăm sóc về y tế, tâm lý hoặc hỗ trợ họ quay trở lại tái hòa nhập cộng đồng”, Th.s Thanh Nga chia sẻ.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung về nghề công tác xã hội ở đơn vị hành chính cấp phường, xã: