Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt càng trở nên phổ biến hơn. Trên nhiều tuyến đường ở thành phố lớn hay vùng nông thôn… dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đống rác thải không được đổ đúng nơi quy định, đang bốc mùi hôi thối mà không được thu gom hay xử lý. Ngoài vấn đề gây ô nhiễm, chất thải rắn còn là nguyên nhân khiến hệ thống cống bị tắc, kéo theo tình trạng ngập úng các tuyến đường mỗi khi trời mưa.

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, thói quen xả rác của mỗi cá nhân khiến cho chất thải rắn sinh hoạt đang trở thành vấn đề đe dọa môi trường sống hiện nay. Trong luật bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày mùng 1/1/2022 đã ghi rất rõ là yêu cầu rác thải, kể cả rác thải sinh hoạt gia đình cũng phải phân loại, bởi vì phân loại rác có rất nhiều ý nghĩa. Một là, có thể tiết kiệm được những loại rác mà chúng ta không thể tái chế lại thu được kinh phí cho Nhà nước và cho nhân dân. Thứ hai là tiết kiệm được các bãi chôn lấp. Cũng từ đấy có thể chế biến thành phân bón, rồi đốt đi để có thể thu là thành những năng lượng, đấy là khởi nguồn của kinh tế tuần hoàn.

Chất thải rắn sinh hoạt ngày càng gia tăng về số lượng, trong khi việc thu gom, phân loại, xử lý… lại chưa thực sự được nhiều người quan tâm. Luật Bảo vệ môi trường đã quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng đã được quy định rất cụ thể.

PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, trong luật bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/1/2022 từ điều 58 đến 63 đã ghi rất rõ trách nhiệm của từng hộ gia đình. Đặc biệt là Nghị định 22 ngày 1/10/2022 của Chính phủ đã hướng dẫn rất rõ và chi tiết các gia đình phải làm gì, phải làm như thế nào? Đầu tiên là phải có trách nhiệm phân loại rác thải sinh hoạt, trong rác thải sinh hoạt thì cái nào tái chế, tái sử dụng… và còn ghi rõ: nếu gia đình không phân loại thì có thể bị xử phạt.

Có thể thấy, việc phân loại chất thải đúng cách là vô cùng quan trọng. Nếu làm tốt sẽ không chỉ góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế mà còn giúp giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp. Tuy nhiên, có một nghịch lý là dù chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại tại nguồn nhưng khi tập kết thì lại để chung với nhau. “Đây chính là những bất cập mà nước ta đang phải đối mặt trong việc phân loại và xử lý rác thải. Đây là sự thiếu đồng bộ từ cơ sở vật chất. Đầu tiên là tại gia đình phải có những thùng phân loại rác riêng với những màu sắc khác nhau: cái nào là rác hữu cơ, cái nào là tái chế, cái nào không tái chế. Xe thu gom cũng phải như vậy. Thứ ba là thu gom xong vận chuyển cũng phải giữ nguyên như thế, đến chỗ tập kết cũng phải chia từng khu như vậy. Đây là sự đồng bộ, giai đoạn đầu nhà nước phải có sự vào cuộc, sau đó có thể là xã hội hóa. Tuy nhiên phải có sự chung tay của cả cộng đồng” - PGS.TS Bùi Thị An lưu ý.

Tại một số nước phát triển, chương trình phân loại rác tại nguồn được thực hiện rất chính xác và khắt khe. Mỗi người dân luôn ý thức phân loại rác, dù là nhỏ nhất. Còn đối với việc thu gom, rác đốt được (như giấy gói, vỏ nhựa, chai nhựa, cao su và da...) được thu gom từ nhà dân 2 lần mỗi tuần. Các loại rác không đốt được (như đồ gốm, sứ, kính mắt, đồ điện tử, đồ gia dụng…) sẽ được thu gom vào mỗi tháng. PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, chúng ta có thể học được rất nhiều kinh nghiệm của các nước trên thế giới, để công tác phân loại và thu gom rác thải tại nguồn đạt kết quả tốt nhất…

Theo quy định, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được thực hiện muộn nhất tới ngày 31/12/2024. Điều kiện cần là một quy chuẩn vận hành, còn điều kiện đủ là quy trình phân loại – thu gom - xử lý rác thải cũng phải được thực hiện đồng bộ. Có như vậy rác thải mới đi đúng vòng tuần hoàn và mang lại lợi ích.

Phân loại rác thải tại nguồn sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cũng như môi trường, giúp khắc phục những tồn tại về quy trình xử lý rác thải hiện nay. Vì thế, mỗi người dân cần nêu cao ý thức phân loại rác thải tại nguồn để đảm bảo an toàn, sức khỏe của bản thân và gia đình, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn. Bởi rác thải phát sinh là do nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của con người, chỉ khi chúng ta biết cách xử lý kịp thời, đúng khoa học thì mới tránh được những hệ lụy từ rác thải, nhất là gây hại đến sức khỏe cộng đồng.