Sáng nay (17/3), tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị khởi động Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (gọi tắt là đề án 01) và phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 nhằm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (gọi tắt là đề án 939) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, trong đó có các hoạt động hỗ trợ phát triển hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, tham gia quản lý là nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội. Thông qua các hoạt động của Đề án Chính phủ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, các cấp Hội đã khích lệ, động viên, hỗ trợ các ý tưởng, đề án gắn với việc thành lập các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ.
Phát biểu tại hội nghị, bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN cho rằng đây là phương thức giúp phụ nữ vượt qua khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển sản xuất, thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế và phục hồi sau đại dịch COVID-19. "Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2017 - 2022, Hội đã hỗ trợ thành lập hơn 800 hợp tác xã và 10.000 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đặt ra yêu cầu cho các cấp Hội phải phối hợp với các cấp chính quyền, bộ, ban, ngành, đoàn thể tìm ra các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ các phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, tăng số lượng và chất lượng hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tăng số phụ nữ tham gia HTX ở cả vai trò quản lý đến vai trò lao động", bà Hà Thị Nga nhấn mạnh.
Có thể nói, việc Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” đã kịp thời khuyến khích phụ nữ ở mọi tầng lớp, lứa tuổi tích cực tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm phát huy tài nguyên bản địa và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của từng địa phương trên cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao hiệu quả của Đề án, đồng thời cho rằng phụ nữ ngày càng năng động, tự tin và tự chủ trong phát triển kinh tế: "Với nhiều hình thức sáng tạo, thiết thực, đã có hơn 63 ngàn phụ nữ được hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh từ khi triển khai Đề án triển khai đến nay. Trong lĩnh vực kinh tế tập thể, trong số hơn 29 ngàn Hợp tác xã trên toàn quốc, có khoảng 10% Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, trong đó, nhiều Hợp tác xã của phụ nữ đang khẳng định có nhiều ưu điểm, thế mạnh, đóng góp lớn trong sản xuất sản phẩm bản địa, chiếm 39% chủ thể sản phẩm OCOP, 80% lực lượng lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp là phụ nữ".
Trong khuôn khổ hội nghị còn diễn ra Lễ phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa". Đây là hoạt động thường niên trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025 nhằm động viên, khuyến khích phụ nữ ở mọi tầng lớp, lứa tuổi tích cực tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.