Từ sáng sớm, cơ sở sản xuất dược liệu của Hợp tác xã sản xuất dịch vụ tổng hợp “Hoa Thiên Phú” ở thôn Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên đã nhộn nhịp, tiếng máy móc, tiếng cười nói của người lao động, tiếng thúc giục công nhân làm việc của bà chủ hợp tác xã Đỗ Thị Hoa…
Mang phong cách nhanh nhẹn, nụ cười tươi tắn, niềm nở, chị Đỗ Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú, vẫn tay năm tay mười, vừa làm vừa giới thiệu rất chi tiết cơ sở sản xuất của mình.
Là một trong những đơn vị đi đầu trong tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - Ocop” của huyện Văn Lâm, thời gian qua, Hợp tác xã Hoa Thiên Phú, xã Tân Quang đã tận dụng lợi thế của một làng nghề để phát triển các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện. Cuối năm 2019, sau khi tiếp cận chương trình Ocop thông qua các hội nghị tập huấn, hợp tác xã đã đăng ký sản phẩm Hoa cúc Thiên Phú. Trong quá trình triển khai, hợp tác xã luôn chủ động nâng cấp, thiết kế lại logo, mẫu mã bao bì sản phẩm, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… Nhờ triển khai tích cực, năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh công nhận sản phẩm Ocop “Hoa cúc Thiên Phú” 3 sao.
“Tham gia chương trình Ocop giúp hợp tác xã khẳng định chất lượng sản phẩm, tạo uy tín với thị trường, nhờ đó giá bán ngày càng ổn định góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên hợp tác xã”. Đó là sự khẳng định của thương hiệu, của niềm tin với người tiêu dùng, nhưng đâu đó trong câu chuyện của chị Hoa hôm nay thì mọi thay đổi đầy khởi sắc ấy còn là nhờ từ thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới.
“Đường xá bây giờ toàn đổ nhựa với bê tông đến tận thôn xóm, đi lại vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện hết sức cho người dân về vốn, mặt bằng để làm ăn kinh tế, nên cuộc sống thay đổi, khấm khá hơn xưa nhiều rồi”. Diện mạo nông thôn mới thay đổi và giờ đây với chị Hoa, không có nơi nào đáng sống hơn mảnh đất Tân Quang, quê hương chị.
Sau khi quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên phê duyệt, xã Tân Quang đã huy động sức mạnh tổng hợp để thực hiện. Xác định công tác tuyên truyền là vai trò then chốt để người dân hiểu đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới, Tân Quang đã triển khai một loạt các hoạt động truyền thông thông qua các cuộc họp của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các cuộc họp của các ban, ngành, đoàn thể xã, của thôn. Với khẩu hiệu thi đua: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…đã được các tầng lớp nhân dân Tân Quang tích cực hưởng ứng.
Để diện mạo nông thôn mới kiểu mẫu của xã đáp ứng các tiêu chí, Tân Quang tập trung đầu tư nâng cấp cải tạo các trục đường chính. Đến nay, hơn 3,6 km đường trục xã rộng từ 8-12m đã được rải nhựa Atphan và bê tông, nhiều đoạn có hàng cây xanh, biển báo giao thông trông. Các đường trục thôn, các ngõ xóm đều được bê tông xi măng đạt chuẩn.
Thêm những công trình mới được xây dựng, thêm những con đường được bê tông hóa, không chỉ thổi bùng lên khát vọng làm giàu mà đó còn là cách để mỗi người dân Tân Quang tiến gần hơn đến mục tiêu nông thôn văn minh, nông dân giàu có, một thành tích mà có lẽ những lão nông như ông Đào Xuân Trường, người cả đời gắn bó với mảnh đất này và hiện là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tăng Bảo, chưa bao giờ dám nghĩ tới.
“Người dân phấn khởi khi thấy bộ mặt nông thôn phát triển và đổi mới hơn rất nhiều, ví dụ như trường trạm, đường xá, nhà văn hóa, năm ngoái đến năm nay đã khác rồi. Đường tu sửa hoàn chỉnh dải Atphan hết rồi. Bộ mặt nông thôn càng ngày càng khang trang, sạch sẽ”, ông Trường bộc bạch trong niềm vui chung của tất cả người dân Tân Quang.
Trao đổi với phóng viên VOV2, ông Lâm Sỹ Tỉnh, Bí thư đảng ủy xã Tân Quang cho biết, cuối năm 2021 xã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Thành quả này thực sự đã đưa Tân Quang hiện diện như một “phố trong làng”, một vùng thôn quê giàu có, hiện đại với thu nhập bình quân khoảng trên 80 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt, khi thôn xóm nào của xã cũng trở thành điển hình của “những miền quê đáng sống” với cơ sở vật chất, đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao thì việc quan tâm, chăm lo hơn đến đời sống tinh thần cũng phát triển mạnh mẽ hơn. Nếu như trước đây, người dân quanh năm chỉ biết lam lũ với đồng ruộng, chăm lo cho gia đình thì nay đã tích cực tham gia các phong trào quần chúng, các câu lạc bộ dân vũ.
Hiện tất cả 8 thôn của xã đều có nhà văn hóa đạt diện tích, qui mô, trang thiết bị, đáp ứng tốt nhu cầu văn hóa, thể thao của người dân. Các câu lạc bộ, đội văn nghệ, bóng chuyền hơi, cầu lông…lúc nào cũng thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Chị Nguyễn Thị Tuyến, người dân thôn Tăng Bảo cho rằng: Những sân chơi văn hóa tinh thần lành mạnh, không chỉ giúp xua tan mệt mỏi sau một ngày làm việc bận rộn mà còn là cách để gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Tân Quang, một miền quê đáng sống, giờ không chỉ thay đổi ở diện mạo những con đường, lối xóm mà ở cả trong giọng nói hào sảng, tiếng cười giòn tan của những người nông dân luôn nỗ lực để hướng tới một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.