Cửa sông Bạch Đằng, nơi gắn liền với 3 trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc là: trận Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán năm 938; trận Lê Hoàn, tức vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống năm 981 và trận Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đánh tan quân Nguyên Mông vào năm 1288. Trong 3 cuộc chiến trên sông Bạch Đằng, trận thủy chiến năm 938 không chỉ ghi dấu ấn sâu đậm trong ký ức dân tộc Việt Nam như một chiến công huyền thoại mà còn là minh chứng rõ nét cho đỉnh cao nghệ thuật quân sự của quân dân Đại Việt.

Trận đầu vang danh chiến thắng Bạch Đằng là khi Ngô Quyền đập tan quân Nam Hán năm 938, đánh dấu đỉnh cao của nghệ thuật quân sự nước ta. Cách đánh giặc bằng một trận địa cọc trên sông của Ngô Quyền lần đầu tiên được ghi chép trong cuốn Đại Việt Sử ký toàn thư: “Nếu sai người đem cọc nhọn, đầu bịt sắt cắm ngầm trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào thoát”.

GS. TSKH Vũ Minh Giang cho biết, trận đánh năm 938 lần đầu tiên được chép trong lịch sử và được ghi nhận như là một chiến công chói lọi, là dấu mốc rất quan trọng của lịch sử quân sự Việt Nam. "Ngô Quyền vốn quê ở Đường Lâm, nhưng ông có điều kiện đi lại trong nước, vào Nam ra Bắc, cho nên cũng lại là một vị chỉ huy quân sự rất thạo sông nước và do đó dùng bãi cọc để bày trận tiêu diệt quân Nam Hán trên sông. Có thể coi đó là một sáng tạo vượt bậc".

Theo TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, người đã kế thừa và làm nên chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 2 năm 981, đánh Tống bình Chiêm xây dựng quốc gia Đại Cồ Việt hùng mạnh chính là vua Lê Đại Hành. Sau cuộc chiến này, Đại Tống chấp nhận xuống nước và chính thức thừa nhận Lê Đại Hành cai trị Đại Cồ Việt. Giải mã chiến thắng của 2 nhà cầm quân thiên tài dựa trên những hiện vật vô cùng quý giá hiện đang được lưu giữ tại Khu di tích Bạch Đằng Giang là những chiếc thuyền chiến và cọc gỗ được trục vớt từ lòng sông.

"Khi trực tiếp đào được các thuyền này thì vỡ ra một điều rằng trong thực tế, trận đánh giỏi lắm chỉ có từ 5-10 thuyền lớn là thuyền được đóng, còn đa số thuyền tham gia chiến tranh là thuyền độc mộc. Chúng ta có thể hình dung rằng vào thời Ngô Quyền, Lê Đại Hành ta có những thuyền lầu lớn có lẽ là để cho Vua hoặc tướng lĩnh lớn thôi, còn chính những thuyền độc mộc mới có thể len lỏi ra các bãi cọc, không bị chướng ngại vật bãi cọc nên cơ động hơn, có thể tấn công đội hình địch, làm cho quân địch rối loạn vướng vào nhau, tạo điều kiện cho dân binh dùng hỏa công, cung nỏ dễ bề tiêu diệt".

Trận Bạch Đằng năm 1288 là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam, là trận quyết chiến chiến lược trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3. Chiến thắng này đã đập tan âm mưu chiếm Đại Việt làm căn cứ, làm bàn đạp để tiến hành xâm lược các nước phương Nam của quân Nguyên Mông. Hơn 4 vạn quân Nguyên Mông bị loại khỏi vòng chiến đấu, trên 400 chiến thuyền bị phá hủy và thu giữ bởi trí tuệ và nghệ thuật thủy chiến độc đáo, tài tình của quân dân nhà Trần mà trực tiếp là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Về chiến lược đánh địch trong trận Bạch Đằng lần thứ 3, GS. TSKH Vũ Minh Giang- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phân tích: Để có được trận bãi cọc như vậy thì phải cần một số lượng rất lớn, các cọc gỗ, binh lính không thể làm xuể, do đó phải có nhân dân địa phương làm cùng. Gần đây trong những phát hiện mới thì chúng ta còn thấy được những cái cọc vát nhọn rõ ràng là nằm trong hệ thống trận địa cọc nhưng lại tìm thấy dấu vết chứng tỏ nó đã từng là cột nhà, tức là dân đã từng phá nhà mình để đem ra làm cọc chống giặc".

Rút kinh nghiệm từ 2 lần thua trước, quân Nguyên Mông đã chuẩn bị rất bài bản kỹ lưỡng về lực lượng cả quân bộ, quân thủy, đoàn quân lương cũng như ý chí phục thù cho lần xuất quân thứ ba xâm lược nước ta. Nhưng bằng trí tuệ, nghệ thuật thủy chiến đỉnh cao của quân dân nhà Trần đã khiến quân địch thất bại hoàn toàn, 2 tướng giặc là Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp bị bắt sống.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là đỉnh cao chói lọi của sức mạnh và nghệ thuật quân sự của quân dân Đại Việt thế kỷ thứ 13, thể hiện tài thao lược của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng kiệt xuất, nhà chiến lược lỗi lạc của dân tộc ta. Ông không chỉ được nhân dân Việt Nam tôn thờ mà còn được thế giới công nhận là 1 trong 10 vị tướng giỏi nhất mọi thời đại.

Mời nghe bài viết tại đây: