Nhà trọ của Ngân, các đồ vật có giá trị lần lượt là: tủ lạnh, bếp ga, nồi cơm điện và quạt điện. Cả 4 thứ ấy chỉ có bếp ga là Ngân mua, còn lại là được cho. Ngăn đá tủ lạnh đóng tuyết dày 5cm, ngăn mát để một can nước lọc và vài thứ lặt vặt.

Nhờ - cậu bé út chỉ vào can nước đòi uống. Hôm nay là thứ Sáu. Cậu bé 3 tuổi này nhẽ ra đang ở trường, nhưng cũng như 4 người anh chị khác của mình, tất cả đều ở nhà.

"Các bé ơi, đâu hết rồi, sao phải ngại" - bà ngoại cất tiếng gọi các cháu. Trong nhà, Ngân kể tên lần lượt 5 đứa con: Nhân, Nhẫn, Nghĩa, Nhã, Nhờ.

Nhân đã 14 tuổi, là anh cả, cao trên 1m6. Ở cái tuổi dậy thì, Nhân ngượng ngùng không ra xếp hàng cùng các em. Cậu bé bỏ đi theo dượng.

"Bé đi phụ thu rác với dượng rồi" - Ngân giải thích - "Người ta cho bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Về cũng đưa mẹ phụ mua sữa cho em, mua thức ăn trong nhà".

"Chị đã bao giờ đưa bé đến trường chưa?" - Phóng viên hỏi.

"Chưa. Bé không có giấy tờ nên không được đi học" - Ngân nói nhanh.

Nghe chương trình tại đây:

Sống vô hình

Ngân quê Sóc Trăng theo bố mẹ lên TP.HCM lập nghiệp. Cô gái làm mẹ năm 20 tuổi, thương nhau ở với nhau, không cưới, không có giấy kết hôn. Ở tuổi ngoài 30, Ngân làm mẹ đơn thân của 5 đứa nhỏ. Ngân nhớ bé đầu sinh ở bệnh viện quận 2, bé thứ hai sinh ở bệnh viện Gia Định…và chẳng còn nhớ nữa.

"Đẻ rồi mình không có tiền, xin bệnh viện về người ta cho về nhưng không cung cấp giấy chứng sinh chỉ cho giấy xuất viện về thôi" - Ngân nói. 5 lần sinh con đều chung một cảnh huống: chẳng đủ tiền nên xin ra viện sớm. Vậy là Nhân, Nhã, Nhẫn, Nghĩa, Nhờ chẳng có tờ giấy chứng sinh nào ghi tên mình. Bà ngoại lũ nhỏ từng về quê tận Sóc Trăng để nhờ cán bộ làm giấy khai sinh cho đàn cháu.

"Tôi đã hỏi rồi phải có giấy chứng sinh, bệnh viện đưa ra…chứ họ không giúp được" - bà cay đắng, 5 đứa cháu, cháu nào cũng về quê hỏi cách làm giấy khai sinh.

Cái nắng đầu năm ở TP.HCM không quá gắt gỏng, chỉ khoảng 30 độ. Nghĩa – cậu bé thứ 4, khoảng 7 tuổi, lấy mũ lưỡi trai màu cháo lòng đội lên đầu, chuẩn bị đi làm.

"Hàng ngày con làm gì?" - Phóng viên hỏi.

"Đi làm rác... Là lấy rác rục lên xe.,.."

"Làm mấy năm rồi?"- Phóng viên hỏi tiếp.

Nghĩa khựng lại, cậu bé nhìn bà ngoại. Ông bà cũng đi lượm những đống rác trên đường lên xe chở rác, rồi nhà dượng ở sát vách cũng làm nghề này. Thứ nuôi sống những con người di cư…là rác.

"Làm lâu hơn một năm rồi" - Nghĩa trả lời sau khi đếm ngón tay.

Mẹ Ngân không biết chữ nên chỉ đi rửa bát thuê, ngày kiếm 200 nghìn đồng. Những cuộc tình chóng vánh, không hôn thú để lại 5 đứa trẻ không có cha, sống trong căn nhà trọ lợp tôn, sàn nhà tráng xi măng, thuê với giá 2 triệu đồng/ tháng.

Những đứa trẻ trong nhà đều biết đếm, biết viết tên mình. Tất cả là nhờ các cô áo xanh – tức các tình nguyện viên dạy 2 buổi/ tuần. Nhẫn - cô bé thứ hai viết nắn nót lên vở ô li "Ước mơ của con là đi học". Hỏi tại sao thì cô bé im lặng. 12 tuổi cô bé đã đến cổng trường lần nào đâu mà biết lý do thích đi học?!

Lý do chúng tôi biết đến các trường hợp này là thông qua dự án “Trang mới cuộc đời” của Viện nghiên cứu Phát triển bền vững (MSD). Dự án được thành lập từ năm 2014 nhằm thúc đẩy quyền được khai sinh và các quyền cơ bản khác cho trẻ em và thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt tại TPHCM, nhằm hỗ trợ các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn làm Giấy khai sinh nhằm mở ra một “trang mới cuộc đời” của một công dân với đầy đủ quyền và nghĩa vụ liên quan.

Trang mới cuộc đời

Cuộc đời một con người bắt đầu bằng tấm giấy khai sinh. Cuộc đời 5 đứa trẻ cũng như hàng trăm bạn nhỏ khác ở TP.HCM trong gia đình nghèo di cư, trẻ mồ côi, trẻ lang thang đường phố, bắt đầu cuộc đời bằng rất nhiều chữ "không": Không giấy khai sinh, không hộ khẩu, không đến trường và tương lai sẽ không có căn cước công dân.

Theo Báo cáo Mục tiêu phát triển bền vững cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2020-2021, cả nước có 98,1% trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh.

Điều này cho thấy vẫn còn hàng nghìn trẻ em chưa được cấp giấy khai sinh. Hơn nữa, những số liệu thống kê này không tính đến trẻ em sinh ra trong gia đình có cha mẹ hoặc ông bà không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, có thể dẫn đến việc các em bị loại khỏi hồ sơ thống kê.

Trong 9 năm hoạt động, dự án “Trang mới cuộc đời” đã hỗ trợ hơn 200 trẻ em mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn được làm giấy khai sinh để có thể tiếp cận giáo dục và các quyền cơ bản của trẻ em.

"Chúng tôi tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, các mái ấm, tổ chức xã hội, trường tình thương, trung tâm hỗ trợ pháp lý Nhà nước...Sau đó phân loại ca. Với trường hợp phức tạp sẽ có các trợ giúp pháp lý, luật sư, thảo luận cách làm, lộ trình và phân các bên thực hiện hỗ trợ gia đình" - Thạc sĩ Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển bền vững (MSD) cho biết.

Để liên lạc với từng trường hợp rất khó bởi bố mẹ các em đều là người di cư, nay đây mai đó kiếm việc, kiếm tiền. Huỳnh Thị Thanh Nga là trường hợp may mắn mà chúng tôi kết nối được.

Anh Huỳnh Văn Sơn - bố Nga làm phụ hồ được trả công theo ngày, khoảng 250 nghìn. Tháng nào được trên 20 ngày công thì xem như khỏe ra…Nga ngồi cạnh bố, cô bé đã là lao động kiếm ra tiền của gia đình. Không. Chính xác hơn là cả 2 chị em Nga: đứa 8 tuổi, đứa 9 tuổi đều làm việc phụ giúp bố mẹ.

"Ngày em đi làm phụ hồ, tối chở con đi bán kẹo ở quán nhậu" - bố Sơn cho biết.

"Tối nay con có đi bán kẹo không?" - Phóng viên hỏi.

"Dạ có" - Nga hơi nép vào người bố

"Con sẽ nói với khách thế nào?" - Phóng viên hỏi tiếp.

"Cô chú ơi mua dùm con…" - Nga nói.

Nga có tên ở nhà là Su, 8 tuổi mới đang học lớp 1. “Hổng có tiền, hổng có giấy tờ” - anh Sơn uống miếng nước, chép miệng trả lời ngắn gọn. "Mẹ không có giấy khai sinh nên đẻ ra không có giấy tờ cho con".

Hà Như Hương - cán bộ của Viện nghiên cứu Phát triển bền vững, văn phòng phía Nam giải thích: theo luật, giấy khai sinh bắt buộc phải có mẹ. "Mẹ của bé không có giấy tờ Căn cước công dân thì không làm giấy khai sinh cho con được".

Nga và Thảo (chị gái) có đủ mẹ đủ cha nhưng vì mẹ không có giấy tờ tùy thân nên không thể đăng ký kết hôn và cũng chẳng có giấy khai sinh cho các con. Họ cứ sống tạm bợ qua ngày cho đến mốc thời gian một năm trước, Thảo và Nga được hỗ trợ làm giấy tờ. Và cô bé chính thức được đi học.

"Bé không học mẫu giáo. Khi học lớp 1 sẽ chậm hơn các bạn nên bé sợ học. Em muốn cho con đi học, lớn lên biết chữ như con người ta nếu không thiệt thòi lắm" - Anh Sơn chia sẻ.

Ước gì đứa trẻ nào cũng được vui ca đến trường, tối tối mở sách vở ê a học bài. Hoặc như Nga, cô bé đang được trải qua cảm giác sợ học vì bài tập khó. Cái sợ trước tri thức cũng là niềm hạnh phúc làm người. Tương lai nếu không có chữ, không giấy tờ tùy thân còn đáng sợ hơn cả. Trang mới cuộc đời đã đến với Thảo, Nga và cũng đang hứa hẹn với 5 bạn nhỏ: Nhân, Nhẫn, Nghĩa, Nhã và Nhờ./.

Thời gian không chờ đứa trẻ

Để làm giấy khai sinh cho các trường hợp này sẽ mất từ 1 đến vài năm. Luật sư Đoàn Văn Nên – Công ty Luật TNHH Nguyễn Đoàn chia sẻ với VOV2:

"Thiệt thòi nhất vẫn là đứa trẻ. Là người trực tiếp làm các hồ sơ cấp giấy khai sinh cho trẻ, tôi cũng kiến nghị các cơ quan chức năng có sự cởi mở trong hành lang pháp lý. Đối với những đứa trẻ, khâu xác minh có thể thoáng hơn, thủ tục có thể đơn giản hơn không? Có thể làm giấy khai sinh cho trẻ không cần tên cha, mẹ cũng được. Sau này, cha mẹ của đứa trẻ làm được giấy tờ thì sẽ bổ sung bằng nhiều cách: thử ADN, giấy tờ chứng minh mối quan hệ thông qua hàng xóm...Còn theo từng bước hiện nay rất khó khăn, vất vả và tội nghiệp cho trẻ. Thời gian không chờ đứa trẻ, nó phải lớn lên, phải được đi học..."