Năm học mới đã chính thức bắt đầu. Các em đến trường, mang theo niềm vui và hi vọng về một sự khởi đầu mới. Cùng với sự hân hoan là những lo lắng, băn khoăn của không chỉ các em học sinh mà cả các phụ huynh.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở Long Biên, Hà Nội cho biết, dù cậu con trai năm nay đã học lớp 5 nhưng chưa khi nào chị cảm thấy yên tâm về việc học tập của con. Con trai chị mỗi khi tới giờ học đều viện rất nhiều lý do để trốn tránh. Năm nay lại là năm cuối ở cấp 1, chị không biết làm thế nào để con cảm thấy hứng khởi trong việc học. Hoặc với những mẹ có con mới vào lớp 1 như chị Nguyễn Mai Anh ở Nam Từ Liêm, Hà Nội còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa. Một trong số đó là hướng dẫn con viết chữ.
Hơn nữa, dù ở độ tuổi nào thì sau một đợt nghỉ hè, rồi trước đó nữa, là cả quãng thời gian khá dài nghỉ học, rồi học online… do dịch bệnh, trẻ thường có tâm lý chán nản, không hào hứng với việc học tập.
Theo PGS.TS Tâm lý học Trần Thành Nam, công tác chuẩn bị cho những ngày đầu năm học mới là điều quan trọng bởi đây chính là sợi dây kết nối giữa thầy cô và các bạn học sinh thông qua các hoạt động. Cùng với đó là sự đồng hành, chia sẻ của cha mẹ.
Tuy nhiên, với mỗi cấp học, cha mẹ cũng cần có sự đồng hành, định hướng riêng để trẻ cảm thấy thật hứng khởi đón một năm học mới. Với cấp tiểu học, đặc biệt là trẻ mới vào lớp 1, cha mẹ nên hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng xã hội, kỹ năng an toàn hay kỹ năng ứng xử với thầy cô, bạn bè. Với cấp Trung học cơ sở thì là hướng dẫn các con quay trở lại với guồng học tập, tạo điều kiện giao lưu với các bạn để thiết lập lại mối quan hệ với bạn bè. Còn với cấp Phổ thông trung học là những định hướng nghề nghiệp, tạo cơ hội cho con tiếp cận để xác định về nghề nghiệp từ sớm.
Không chỉ con trẻ cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho năm học mới mà ngay cả những bậc phụ huynh cũng cần chuẩn bị tâm lý. Bởi lẽ, cha mẹ nào cũng luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con. Thế nhưng, đôi khi những mong muốn ấy lại tạo thành áp lực cho con trẻ.
PGS.TS Tâm lý học Trần Thành Nam cho rằng, để tránh được điều này, cha mẹ hãy chia sẻ mong muốn, định hướng như một nguồn tham khảo, đưa ra đường hướng cha mẹ có thể hỗ trợ cho con, còn quyết định thế nào là do con. Tránh tạo áp lực rằng con cần..., con phải…
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngay từ khi bắt đầu năm học mới, cha mẹ hãy cũng con xây dựng góc học tập và thời gian biểu phù hợp với việc học, nghỉ ngơi… Điều đó sẽ giúp con có một năm học thoải mái hơn.
Một năm học mới bắt đầu, không chỉ các con mà cha mẹ cũng cần khởi động, lên dây cót chính bản thân để cùng đồng hành với con trong quá trình học tập, cùng với đó là giáo dục đạo đức, lối sống, trang bị kỹ năng. Sự đồng hành, quan tâm, chia sẻ, động viên luôn có hiệu quả hơn sự ép buộc. Đây chính là chiếc chìa khóa thành công để cả cha mẹ và con cái đạt được mục tiêu trong học tập, để một năm học mới luôn bắt đầu bằng sự hứng khởi.
Mời nghe âm thanh tại đây: