Đó là chia sẻ của thầy giáo Triệu Quang Tùng (Trường THCS Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang) với VOV2 sau lá thư gửi cho vợ trong tâm dịch dậy sóng cộng đồng mạng.

Thầy giáo Triệu Quang Tùng có vợ là y tá đang tham gia chống dịch ngay tại quê Bắc Giang. Dù nhà chỉ cách trạm y tế xã - nơi chị công tác - khoảng hơn 1 cây số nhưng nhiều ngày nay chị không thể về thăm chồng và 3 con nhỏ.

Thầy Tùng là giáo viên dạy môn Văn. Những ngày vợ vắng nhà, anh thường xuyên phải vừa ôm con nhỏ chưa đầy 2 tuổi vừa giảng dạy. Anh chia sẻ với VOV2, những vất vả của người ở nhà cũng chẳng thấm gì so với vợ và những y bác sỹ nơi tuyến đầu phòng dịch.

"Có vợ trực tiếp tham gia công việc như vậy, mình rất chia sẻ, rất thương. Nhưng nhiệm vụ vẫn phải làm thôi nên cũng động viên. Nhắn với vợ phải cố gắng chứ chả biết thế nào được cả"- thầy Tùng tâm sự.

Theo thầy Tùng, khi mình đã lựa chọn nghề thì "yên ấm của mình là yên ấm của người khác và yên ấm của người khác cũng chính là hạnh phúc của mình".

Thầy Tùng muốn chuyển lời tới bà xã cũng như tất cả các bạn đặc biệt là các y bác sỹ nữ có con nhỏ hay đang xa gia đình, đang phục vụ cuộc chiến này: "Hy vọng mọi người cứ bình tâm, giữ gìn sức khỏe và với niềm tin là chúng ta sẽ vượt qua khó khăn trong giai đoạn này”.

Ở nhà, thầy cũng đang dạy online môn Văn miễn phí cho các bạn học sinh lớp 9 thi vào 10. Theo thầy đây cũng là cố gắng để góp một phần nhỏ công sức cho học trò trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.

Lá thư xúc động của thầy Triệu Quang Tùng gửi đến vợ và “những chiến sĩ áo trắng” trong tâm dịch khiến nhiều người xúc động:

Chiều nay, cô bạn gửi cho mình tin nhắn của cô ấy tâm sự với vợ mình. Nội dung khiến mình thấy nhói lòng, cảm giác bất lực vì không thể san sẻ.

Mình cũng biết vợ lo lắng nhưng không muốn nói hoặc cố gắng giấu nó đi. Cũng chiều nay, mình phải tắt máy nhanh khi vợ gọi điện nói chuyện với con, vì mình sợ vợ sẽ khóc và mình biết cô ấy sẽ khóc vì nhớ con!

Nhưng biết làm sao khi đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của một công dân khi tổ quốc lên tiếng gọi? Giặc dịch len lỏi, gieo rắc nỗi lo sợ khắp nơi nên không còn cách nào khác là phải chống dịch. Chúng ta chỉ mong sao, các chiến sĩ áo trắng được mạnh khỏe và bình yên. Rồi sẽ đến lúc chúng ta ca khúc khải hoàn.

Tôi bỗng dưng nhớ lại nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết: "Em ơi em, đất nước là máu xương của mình. Phải biết gắn bó và san sẻ. Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở. Làm lên đất nước muôn đời". Nhà thơ Chế Lan Viên cũng nói: "Ôi tổ quốc, ta yêu như máu thịt. Như mẹ cha ta, như vợ như chồng".

Vậy nên, hỡi những chiến sĩ áo trắng, xin được bày tỏ lòng kính phục, lòng biết ơn đến các anh, các chị đã và đang ngày đêm hi sinh, cống hiến thầm lặng cho đất nước. Nhìn thấy đội quân áo trắng, áo xanh, áo vàng ... dài như sông, như suối, như tiếng hát ấy đang trên đường chi viện cho Bắc Giang, Bắc Ninh mới thấy: Tổ quốc tôi chưa bao giờ đẹp đến thế!

Bài viết này, tôi hy vọng một lúc nào đó, trong phút nghỉ ngơi hiếm hoi, các chiến sĩ áo trắng sẽ đọc được và những tình cảm chân thành xin gửi đến các anh, các chị hy vọng sẽ làm dịu đi căng thẳng, nguy hiểm mọi người luôn phải đối mặt.

Đừng khóc nhé! Nước mắt chỉ dành cho ngày chiến thắng. Bởi đất nước này chưa bao giờ có cuộc chia ly!