PGS.TS Nguyễn Thời Trung (Trường ĐH Tôn Đức Thắng), một trong số ít nhà khoa học Việt Nam lọt top những nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới bị loại khỏi danh sách xét Giáo sư năm 2020 để lại nhiều ý kiến trái chiều. Để có thêm góc nhìn về câu chuyện này, phóng viên VOV2 (Đài TNVN) có cuộc trao đổi với TS. Lê Văn Út (Trưởng phòng Quản lý Phát triển Khoa học và công nghệ, trường Đại học Tôn Đức Thắng).

77 công bố khoa học trong 9 tháng là điều bình thường

Phóng viên: Cá nhân ông có “sốc” khi khi PGS.TS Nguyễn Thời Trung bị loại khỏi danh sách xét GS năm 2020?

TS. Lê Văn Út: Đến bây giờ, việc anh Nguyễn Thời Trung bị loại khỏi danh sách vẫn khiến tôi sốc và bất ngờ. Dù kết luận mà chúng tôi có được cũng chỉ qua báo chí thôi chứ Hội đồng cũng chưa có một thông báo chính thức nào cả. Và tôi hoài nghi về những lý do để loại anh Nguyễn Thời Trung như đột biến trong công bố, có hợp tác công bố với nước ngoài, công bố đa ngành... Đột biến trong nghiên cứu thì thế nào là đột biến? Hội đồng đã thẩm định việc này như thế nào? Nói về hợp tác với công bố với nước ngoài thì rõ ràng với các nhà khoa học Việt Nam chúng ta đang khuyến khích rất nhiều trong hợp tác công bố quốc tế, hợp tác với chuyên gia nước ngoài nhưng ở đây lại trở thành lý do để loại thì chúng tôi cũng không hiểu.

Phóng viên: Nhưng việc PGS.TS Nguyễn Thời Trung có tới 77 bài khoa học công bố khoa học trong 9 tháng như kết luận của Hội đồng Ngành có lẽ cũng là điều đáng ngờ, thưa ông?

TS. Lê Văn Út: Về việc cho rằng anh Nguyễn Thời Trung có đột biến trong công bố bài báo quốc tế thì khi chúng tôi trích xuất từ WoS (Web of Science, Mỹ) hay Scopus (Hà Lan) thì từ đầu năm 2020 đến nay anh Trung chỉ có 50 công trình được đăng tải trên các tạp chí ISI nên con số 77 bài cần xem lại. Tuy nhiên, vì sao anh Trung lại có nhiều công bố quốc tế như vậy? Hiện nay anh Trung là trưởng một nhóm nghiên cứu đồng thời là Viện trưởng của một Viện nghiên cứu, dưới anh có rất nhiều nghiên cứu viên đi theo hướng nghiên cứu của anh. Như vậy, anh không chỉ là người nghiên cứu khoa học mà còn là người chỉ đạo, lãnh đạo nghiên cứu khoa học. Cụ thể anh đang trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu 15 người trong có có nghiên cứu sinh, nghiên cứu sau Tiến sĩ và nghiên cứu viên… đồng thời anh có hợp tác với 16 nhà khoa học trong và ngoài nước khác. Với một lực lượng hùng hậu như vậy thì kết quả 50 bài khoa học ISI năm 2020, 44 công trình ISI trong năm 2019 thì tôi cho rằng hết sức khả thi.

Phóng viên: Vậy, ông lý giải thế nào khi PGS.TS Nguyễn Thời Trung có nhiều công bố đa ngành?

TS. Lê Văn Út: Tôi cho rằng công bố đa ngành nếu làm được như thế là rất tốt. Nhưng với lĩnh vực của anh Trung nó nằm giữa ranh giới giữa nửa cơ bản, nửa ứng dụng. Qua trích xuất dữ liệu thì cũng nên xem xét lại nhận xét công bố đa ngành bởi những lĩnh vực mà anh Trung hợp tác là thuộc về lĩnh vực mà anh ấy được đào tạo như cơ học tính toán, toán ứng dụng, khoa học dữ liệu, kỹ thuật xây dựng… ngoài ra có một số ít công bố chuyên ngành mà theo xu hướng mở rộng. Cụ thể, anh có 56 công trình kỹ thuật liên ngành, 53 công trình thuộc lĩnh vực thuần cơ, 50 công trình thuộc về toán ứng dụng, 37 công trình thuộc lĩnh vực kỹ thuật công trình… như vậy, hầu hết các bài báo khoa học đều liên quan đến chuyên ngành mà anh ấy đào tạo.

Nên coi Giáo sư là vị trí công việc chứ không phải là phẩm hàm suốt đời.

Phóng viên: Liệu PGS.TS Nguyễn Thời Trung phải chịu sức ép về số lượng công bố quốc tế?

TS. Lê Văn Út: Đối với một nhà khoa học tại trường ĐH Tôn Đức Thắng đặc biệt là lực lượng nghiên cứu viên thì nhiệm vụ chính của họ là nghiên cứu nên hàng năm họ bắt buộc phải có công bố quốc tế, tối thiểu là 1 công trình để lĩnh lương . Còn việc họ đăng ký số lượng thế nào, mức độ công bố thế nào chúng tôi không can thiệp. Dĩ nhiên nếu sản lượng họ cao thì tiền lương họ cao. Ở đây chúng tôi siết chặt về chất lượng. Tất cả các công bố quốc tế phải thỏa mãn bảng xếp hạng công bố quốc tế của trường ĐH Tôn Đức Thắng. Mà ĐH Tôn Đức Thắng chỉ công nhận khoảng 50% công trình ISI trên thế giới…

Phóng viên: Ông có cho rằng mọi chuyện sẽ thuyết phục hơn nếu như những ứng viên như PGS Nguyễn Thời Trung được đối thoại với Hội đồng?

TS. Lê Văn Út: Theo quy định, quy trình xét công nhận GS, PGS thì ứng viên có được trình bày tổng quan khoa học của ứng viên trước hội đồng. Tuy nhiên, chúng tôi tiếc rằng hồ sơ của anh Trung bị loại hơi sớm. Tôi nghĩ, với những trường hợp đặc biệt có thành tích vượt trội thì hội đồng nên để ứng viên được đối thoại với hội đồng. Ở đây tôi cho rằng nên có hai chiều, khi ra hội đồng như thế thì biết đâu ứng viên có cơ hội được lưu ý những cảnh báo của Hội đồng để điều chỉnh hoạt động nghiên cứu của mình hoặc ứng viên có cơ hội để thuyết phục hội đồng.

Phóng viên: Việc xét, công nhận chức danh GS, PGS năm nào cũng có những lùm xùm… để việc xét, công nhận chức danh cao quý này thực sự công bằng, minh bạch, ông có kiến nghị gì?

TS. Lê Văn Út: Tôi cảm thấy rất buồn khi năm nào xét duyệt GS, PGS cũng xuất hiện những ý kiến trái chiều. Ít công bố quốc tế thì cũng không ổn mà công bố nhiều như trường hợp của PGS.TS Nguyễn Thời Trung thì cũng hoài nghi và đánh trượt. Điều này để lại dư luận không tốt. Tôi cho rằng nên sớm giao cho các trường Đại học xây dựng tiêu chuẩn, quy trình và bổ nhiệm GS,PGS. Và chúng ta không nên coi GS là phẩm hàm, chức danh trọn đời mà nên xem GS, PGS là những vị trí công việc giống như các trường Đại học trên thế giới đang làm. Khi giao việc xét, công nhận GS, PGS cho các trường ĐH thì mỗi trường xây dựng một quy trình, tiêu chuẩn bổ nhiệm các vị trí đó theo đề án việc làm, vị trí công việc mà họ đảm nhiệm. Đẳng cấp của GS giữa các Đại học phụ thuộc vào đẳng cấp của ĐH đó. Ví dụ, GS của trường A thì có thể không bằng GS của trường B nếu chất lượng của hai trường là khác nhau. Điều này nó cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phóng viên: Cảm ơn ông.