Năm 2024, Hà Nội tuyển hơn 77.000 học sinh vào lớp 10 công lập, tổng chỉ tiêu tăng khoảng 1.500 so với năm ngoái.

Trường THPT Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, tăng hơn 200 chỉ tiêu, từ 405 học sinh của năm ngoái lên 675 năm nay. Tăng ít hơn là trường THPT Kim Anh, Phú Xuyên B, Khương Hạ, Lưu Hoàng, Chu Văn An..., thêm 90-135 học sinh ở mỗi trường.

Ngoài ra, 4 trường THPT chuyên và trường có lớp chuyên năm nay được Sở GD-ĐT giao tuyển 2.970 học sinh, trong đó 3 trường tăng chỉ tiêu gồm: Trường THPT Nguyễn Huệ (tăng 105 so với năm ngoái); Trường THPT Sơn Tây tuyển 585 chỉ tiêu (tăng 60), Trường THPT Chu Văn An tuyển 935 học sinh (tăng 220).

Riêng Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam tuyển 820 học sinh (tăng 165 chỉ tiêu và tăng 7 lớp so với năm ngoái). Năm ngoái, trường này chỉ được giao tuyển 655 học sinh vào lớp 10 với 560 chỉ tiêu cho hệ chuyên.

Bà Nguyễn Phương Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT Khương Hạ cho biết, năm nay trường tăng 120 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT (từ 280 chỉ tiêu năm 2023 lên 400 chỉ tiêu vào năm nay).

"Bởi khu vực Thanh Xuân, Cầu Giấy là nơi có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS cao, dân số cơ học tăng nhanh nên việc trường tăng chỉ tiêu là hoàn toàn phù hợp giúp giảm gánh nặng tuyển sinh cho các trường THPT khác".

Năm ngoái, Trường liên cấp Khương Hạ (quận Thanh Xuân) có số lượng học sinh đăng ký rất đông khiến tỉ lệ chọi của trường cao nhất thành phố với tỉ lệ 1/3,55. Nghĩa là cứ gần 4 học sinh mới có 1 em có cơ hội đỗ vào trường. Mặc dù vậy, điểm chuẩn đầu vào năm 2023 của trường không phải ở top cao nhất của thành phố (37,5 điểm).

Theo bà Nguyễn Phương Liên, trường liên cấp Tiểu học-THCS-THPT Khương Hạ mới thành lập nên có mức điểm chuẩn đầu vào lớp 10 bậc THPT phù hợp với nhiều học sinh có học lực khá trở lên.

"Mặc dù điểm đầu vào lớp 10 của Trường không nằm trong top cao nhất của thành phố nhưng qua các năm điểm chuẩn đầu vào đều tăng từ 2-3 điểm. Do vậy, các em cần sáng suốt lựa chọn để đặt nguyện vọng 1 bởi khi đã nộp hồ sơ sẽ không được đổi nguyện vọng. Các em cần căn cứ vào kết quả khảo sát, sự đánh giá, tư vấn của giáo viên để lựa chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực của mình", bà Liên chia sẻ.

Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3. Trong đó, NV1 và NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; NV3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký.

Những học sinh thuộc vùng giáp ranh giữa các khu vực tuyển sinh hoặc có chỗ ở thực tế khác với nơi thường trú được phép đổi khu vực tuyển sinh với điều kiện: Đối với NV1 với NV2 phải đăng ký dự tuyển vào hai trường Trung học phổ thông công lập trong khu vực tuyển sinh đã thay đổi, NV3 (nếu có) thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.

Nếu trúng tuyển NV1 thì không được xét tuyển NV2, NV3. Học sinh không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1,0 điểm.

Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV 1 của trường ít nhất 2,0 điểm. Khi hạ điểm chuẩn, các trường được phép nhận học sinh có NV2, NV3 đủ điều kiện trúng tuyển.

Nhìn lại kết quả tuyển sinh vào lớp 10 THPT TP. Hà Nội những năm gần đây, ông Nguyễn Cao Cường, hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, không ít học sinh có học lực giỏi nhưng lại trượt tất cả các nguyện vọng. Nguyên nhân là do việc đặt các nguyện vọng xét tuyển ở các trường THPT có mức điểm chuẩn quá sát nhau.

Để tránh trượt oan, thầy Cường khuyên học sinh khi đặt nguyện vọng 2 nên cách nguyện vọng 1 khoảng 5 điểm; nguyện vọng 3 cách nguyện vọng 2 từ 4-5 điểm. Như vậy, nếu có sơ sẩy nguyện vọng 1 thì học sinh vẫn có cơ hội đỗ nguyện vọng 2, nguyện vọng 3.

(Ông Nguyễn Cao Cường, hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội)

Trong khoảng thời gian này, ông Nguyễn Cao Cường cho rằng, giáo viên, phụ huynh lập bảng thống kê điểm chuẩn những năm gần đây tại các trường THPT mà học sinh có nguyện vọng đăng ký. Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả khảo sát do phòng GD-ĐT tổ chức, giáo viên cần đánh giá học sinh của mình có thể đạt ngưỡng điểm nào từ đó đưa ra tư vấn phù hợp cho từng học sinh.

Ông Cường cũng khuyến cáo, phụ huynh không nên ra thành tích quá cao dẫn đến áp lực nặng nề cho học sinh.

"Đặt ra thành tích cao trong khi không đánh giá đúng năng lực của con sẽ khiến các em căng thẳng. Khi học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng rất dễ giảm sút về tinh thần, hiệu quả học tập. Phụ huynh bình tĩnh và yên tâm vào lộ trình của nhà trường giúp cho các em học sinh có được trạng thái tinh thần, kiến thức tốt nhất trước mùa thi", ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.