Trước những ý kiến, kiến nghị của các nhà khoa học về các ứng viên GS, PGS thuộc Hội đồng GS ngành Y, Dược khai gian dối các bài báo trên các tạp chí kém chất lượng nhưng vẫn được Hội đồng khoa học ngành xét chọn, trao đổi với VOV2, GS-TS Lê Quang Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho rằng việc có những ý kiến phản biện là rất tốt, rất cần cho quá trình phát triển của xã hội.

Đồng thời, sự minh bạch trong xét công nhận chức danh đặc biệt cần thiết. Các nhà khoa học chân chính cần sự minh bạch, họ muốn được đánh giá đúng. Nếu không được đánh giá đúng họ sẽ chán, không tham gia xét công nhận và sẽ không có ứng viên chất lượng.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) đã chỉ đạo Hội đồng GS các ngành trong đó có Hội đồng GS ngành Y, Dược nghiêm túc rà soát, xác minh, đánh giá lại và sẽ phải báo cáo HĐGSNN trước ngày 26/10.

Thận trọng nhưng vẫn có thể lọt?

Theo quy định, ứng viên PGS phải cần ít nhất 3 bài báo quốc tế, còn ứng viên GS cần ít nhất 5 bài. Các bài báo này phải được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, có mã số chuẩn quốc tế ISSN, thuộc danh mục ISI hoặc Scopus.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus vẫn có thể là tạp chí mở, không ngoại trừ xuất hiện những bài báo chất lượng chưa cao. Và uy tín thực sự của một tạp chí chỉ những nhà khoa học trong cộng đồng khoa học quốc tế mới hiểu rõ nhất.

Đây chính là kẽ hở mà ứng viên có thể “lách” quy định. GS Lê Quang Cường cho biết trước khi Hội đồng các ngành xét duyệt, HĐGSNN đã có công văn yêu cầu các hội đồng phải hết sức thận trọng và phải xem xét từng bài báo của các ứng viên cũng chính vì điểm này.

Tuy nhiên, kẽ hở có được bịt và liệu có để lọt hay không? Câu trả lời được dư luận chờ đợi vào lần giải trình tới đây của các Hội đồng ngành và liên ngành với Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Để lọt một GS "rởm" thì sẽ nguy hiểm cho đất nước. Một GS "rởm" mà đi hướng dẫn TS thì gay go lắm. Phải có quy định, tạp chí nào có giá trị, có người một năm đăng mấy chục bài vô lý, GS chúng tôi đăng được một bài khó lắm.”

- GS Nguyễn Lân Dũng

“Phải trong ngành mới biết được ai thật, ai không. Có những người trong ngành của tôi chưa một lần hướng dẫn cao học, tiến sĩ, chưa một bài báo cáo mà vẫn lên PGS…”

- PGS Nguyễn Duy Huề, Trường ĐH Y Hà Nội

“Hội đồng Nhà nước không thể am hiểu hết các ứng viên. Ngay hội đồng liên ngành cũng không nắm hết chi tiết nên càng thấy vai trò Hội đồng cấp cơ sở các trường quan trọng thế nào. Nhưng ở các trường, Hội đồng cấp cơ sở có thể có những ứng viên nơi khác đăng ký thì hội đồng bó tay. Đây cũng có thể là một lỗ hổng”

-GS Đặng Ứng Vận

(Cao Phương Lan ghi)