Là cơ sở đầu tiên đào tạo nhân lực cho ngành du lịch khách sạn, Khoa Du lịch – Khách sạn của trường ĐH Thương Mại đã có nhiều sáng tạo để đổi mới chương trình đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Đây là nội dung cuộc phỏng vấn của phóng viên VOV2 với PGS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng – Trưởng khoa Khách sạn - Du lịch, trường ĐH Thương mại.
Phóng viên: Thưa bà, bà nhìn nhận thế nào về thị trường nhân lực ngành du lịch khách sạn những năm tới ?
PGS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng: Ngành Khách sạn – Du lịch là ngành dịch vụ, vì thế, nhu cầu về nhân lực là rất lớn.
Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, du lịch là một những ngành chịu tác động nặng nề nhất. Lượng khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng, kéo theo hoạt động của các DNDL và NNL (công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng,…) giảm theo. Tác động mạnh nhất là đến các công ty lữ hành. Nhân sự của các công ty lữ hành mất việc, bỏ việc và chuyển nghề rất lớn, từ 50-90%. Có thể nói là sự thất thoát nhân lực ngành du lịch là chưa từng có trong lịch sử. Theo thống kê của Hội đồng Tư vấn DL, 10% DN cho 100% nhân viên nghỉ việc; 48% DN cho 50-80% nhân viên nghỉ việc.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 trở lại đây, du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi một cách mạnh mẽ, đòi hỏi nhu cầu rất lớn về nhân lực trong ngành. Đặc biệt, từ tháng 4/2022, lượng khách du lịch bắt đầu tăng, đây cũng là giai đoạn chính vụ của ngành du lịch, nhiều khách sạn, resort ở vùng biển, điểm du lịch đã full công suất ở một số thời điểm do khách đã book kín chỗ.
Bên cạnh đó, xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và CMCN 4.0, thị trường lao động nói chung và nhân lực trong ngành Khách sạn – Du lịch nói riêng, sẽ ngày càng phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực trong những năm sắp tới.
Phóng viên: ĐH Thương mại là cơ sở có kinh nghiệm đào tạo nhân lực trong lĩnh vực Du lịch – khách sạn, vậy trước những nhu cầu của thị trường, nhà trường đã có kế hoạch gì để tuyển sinh cũng như đổi mới chương trình đào tạo để sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu công việc ?
PGS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng: Trường ĐH Thương mại và Khoa Khách sạn – Du lịch đã chủ động đổi mới chương trình và kế hoạch đào tạo, cụ thể là xây dựng chương trình đào tạo Quản trị khách sạn và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (định hướng nghề nghiệp) và bắt đầu tuyển sinh từ năm 2022.
Chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp được phát triển và hoàn thiện từ chương trình đào tạo chuẩn và chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù, sinh viên được học lý thuyết song song với thực hành. Với chương trình này, sinh viên không chỉ học mà còn có cơ hội tiếp xúc, trải nghiệm, tăng cường kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp thực tiễn tại các doanh nghiệp theo đúng chuyên ngành đào tạo trong cả 4 năm học. Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên đã được tham gia các chương trình du lịch nhận thức nghề nghiệp, thăm quan và học tập tại các tập đoàn, khách sạn, doanh nghiệp lữ hành lớn như: VinPearl, Sun Group, Flamingo, Khách sạn Hanoi Deawoo, Hyatt Regency, Hanoi tourism, Hanoi Tourist,...và một số đối tác của Nhật Bản. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên được học tập, thực tập và trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp trong ngành Du lịch ở cả trong và ngoài nước, Khoa sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp.
Có thể nói, đây là địa chỉ tin cậy của sinh viên, phụ huynh và là nơi giúp các em sinh viên có được hành trang cần thiết để phát triển bản thân và có thể đáp ứng kịp thời với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong ngành hiện nay.
Phóng viên: Bà có thể cho biết năm học 2022-2023 này, khoa Khách sạn - Du lịch của trường sẽ tuyển sinh bao nhiêu chỉ tiêu và những em sinh viên năm nay sẽ được học tập, trải nghiệm trong môi trường như thế nào ?
PGS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng: Năm học 2022 – 2023, Khoa Khách sạn – Du lịch trường Đại học Thương mại dự kiến tuyển sinh 450 chỉ tiêu, trong đó có 350 chỉ tiêu ngành Quản trị khách sạn và 100 chỉ tiêu ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
Như trên đã nói, năm nay Nhà trường và Khoa sẽ tuyển sinh và đào tạo theo chương trình định hướng nghề nghiệp. Chương trình đào tạo gồm 42 tín chỉ thực hành, thực tập tại doanh nghiệp trên tổng số 120 tín chỉ học tập. Sinh viên được học tập trong môi trường đạt chuẩn tại các doanh nghiệp khách sạn, dịch vụ du lịch có uy tín. Bên cạnh đó, sinh viên có thể chủ động, nhanh chóng tiếp thu thực tiễn kiến thức ngành nghề, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, tiếp cận sớm và nhiều cơ hội việc làm trong khi học và sau khi ra trường.
Phóng viên: Việc phối hợp với doanh nghiệp cùng đào tạo là việc mà trường ĐH Thương mại cũng như khoa Khách sạn - Du lịch đã thực hiện từ nhiều năm qua, bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của sự hợp tác này ?
PGS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng: Quan hệ Nhà trường – Doanh nghiệp là không thể thiếu trong đào tạo nhân lực du lịch bởi yêu cầu về nguồn nhân lực du lịch trình độ cao, chất lượng cao. Hiện nay, Khoa vẫn không ngừng kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành Khách sạn – Du lịch trên cơ sở một mạng lưới liên kết với các Doanh nghiệp mà Khoa đã thiết lập từ trước đến nay. Hiện nay, Khoa đang hợp tác về đào tạo với gần 50 doanh nghiệp là các tập đoàn lớn, các khách sạn cao cấp, các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch khác. Sự tham gia ngày càng lớn mạnh của các doanh nghiệp trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, đào tạo các học phần thực tập tại doanh nghiệp, tiếp nhận sinh viên thực tập, làm thêm và hợp tác với các đối tác nước ngoài để tạo cơ hội học hỏi, thực tập trong môi trường mang tính quốc tế cho sinh viên đã thể hiện được uy tín của chương trình đào tạo ngành QTKS và QTDVDL&LH mang lại cho cộng đồng. Đây là sự hợp tác, liên kết cần thiết, mang lại các lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp, nhà trường và sinh viên.
Phóng viên: Vâng xin cảm ơn bà!