Sinh viên theo học nhóm ngành khoa học cơ bản không chỉ mang lại cơ hội nghề nghiệp bền vững trong tương lai mà còn giúp dễ dàng tiếp cận và làm chủ những lĩnh vực mới, bao gồm các ngành công nghệ cao thu hút nhiều sự quan tâm hiện nay như: công nghệ bán dẫn, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ IoT, công nghệ sinh học...

Nền móng của công nghệ hiện đại

Khoa học cơ bản là những ngành khoa học nghiên cứu, khám phá các quy luật của tự nhiên và tạo ra những kiến thức mới. Một số ngành khoa học cơ bản gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học,… và nhóm các ngành trong khối khoa học trái đất như Địa lý, Địa chất, Môi trường, Khí tượng và khí hậu học, Hải dương học.

Theo PGS. TS Phạm Nguyên Hải, giảng viên cao cấp, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ IoT,... đang thu hút nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ trên thế giới và tại Việt Nam, nền móng của các ngành nghề này đều được hình thành và phát triển từ các kiến thức khoa học cơ bản như: vật lý, hóa học, toán học,…

Toàn bộ nguyên lý của các ngành khoa học cơ bản hoàn toàn có thể áp dụng vào mọi lĩnh vực công nghệ mới. Khi sinh viên được trang bị kiến thức nền tảng, các em sẽ có cách thức tiếp cận khoa học, tiếp thu kiến thức và công nghệ mới hiệu quả và nhanh chóng do nắm vững bản chất của các vấn đề trong ngành, lĩnh vực mới.

Dẫn chứng cụ thể về kiến thức khoa học cơ bản được áp dụng cho công nghệ bán dẫn, PSG. TS Phạm Nguyên Hải chia sẻ: “Để theo đuổi về công nghệ bán dẫn, sinh viên ban đầu phải có kiến thức nền tảng về vật lý và toán học để có thể hiểu biết tốt về vật liệu bán dẫn, nguyên lý hoạt động của linh kiện bán dẫn và vi mạch tổ hợp, công nghệ chế tạo và kiểm thử các linh kiên bán dẫn, công nghệ nano, thiết kế linh kiện… Các sinh viên cũng cần kiến thức hóa học cơ bản để hiểu rõ các quy trình xử lý hóa học được sử dụng rất nhiều trong cho quá trình sản xuất vật liệu và linh kiện bán dẫn.

Ngay từ những năm 1970, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) ngày nay, đã tiên phong trong việc đào tạo và nghiên cứu về vật lý và vật liệu bán dẫn. Người đặt nền móng đầu tiên cho chương trình này chính là GS Đàm Trung Đồn khi đưa các nghiên cứu và đào tạo về vật lý bán dẫn vào giảng dạy trong chuyên ngành Vật lý Chất rắn tại Khoa Vật lý, để đáp ứng các yêu cầu trong quốc phòng tại thời điểm đất nước có chiến tranh, cũng như từng bước xây dựng nguồn nhân lực để góp phần phát triển nền khoa học và kinh tế của đất nước trong thời bình.

Năm 1998, nhà trường mở thêm ngành Khoa học Vật liệu để tập trung chuyên sâu công tác đào tạo và nghiên cứu về vật liệu và công nghệ bán dẫn, vật liệu điện tử tiên tiến, công nghệ nano, … Trên cơ sở đó, nhà trường đã đào tạo rất nhiều thế hệ sinh viên ưu tú trở thành những nhà khoa học xuất sắc về vật liệu và công nghệ bán dẫn, kỹ thuật điện tử,…

Trong nhiều năm qua, Khoa Vật lý đã triển khai rất nhiều hợp tác đào tạo và nghiên cứu về vật liệu và công nghệ bán dẫn với các trường đại học tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Thông qua các hợp tác trên, rất nhiều sinh viên đã được nhận học bổng toàn phần đi học thạc sĩ và tiến sĩ về công nghệ bán dẫn tại nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp, nhiều cựu sinh viên của Khoa Vật lý đang làm việc tại một số công ty công nghệ bán dẫn lớn trên thế giới như Samsung, Micron, ASML, Intel,…

Sự linh hoạt trong áp dụng kiến thức khoa học cơ bản của toán học cũng không phải ngoại lệ. Sinh viên theo học các chương trình đào tạo về khoa học máy tính và thông tin, khoa học dữ liệu, toán tin của trường cũng có thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

"Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là một cơ sở giáo dục đại học truyền thống trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Thời gian gần đây và trong tương lai sẽ có rất nhiều ngành kỹ thuật, công nghệ mới mang tính liên ngành xuất hiện. Tuy nhiên, chính những kiến thức khoa học cơ bản lại là nền tảng của những ngành khoa học mới.

Nếu các bạn sinh viên học được kiến thức nền tảng, kiến thức cơ bản thì sẽ có cơ hội tiến xa trong nghề nghiệp vì với những kiến thức nền tảng, các bạn sẽ dễ dàng tiếp cận được những ngành khoa học mới, khoa học liên ngành và có nghề nghiệp bền vững trong tương lai."

GS.TSKH Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG Hà Nội

TS Đỗ Thanh Hà, Phó trưởng khoa Toán – Cơ – Tin học, ĐH Khoa học Tự nhiên khẳng định: “Kiến thức nền tảng về toán học sẽ hỗ trợ các em hiểu và xây dựng được các thuật toán giải quyết các bài toán từ thực tế. Trong quá trình đào tạo, chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên được tiếp cận về AI ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường thông qua các dự án hợp tác với doanh nghiệp. Chính nhờ kiến thức nền tảng và hoạt động trải nghiệm sớm đã giúp nhiều cựu sinh viên của trường đang nắm giữ vai trò dẫn dắt, quản lý các dự án về trí tuệ nhân tạo”.

Bên cạnh 2 ngành trên, ngành Công nghệ Sinh học của trường ĐHKHTN cũng là một ngành hấp dẫn hàng đầu và được mệnh danh là ngành học giúp giải quyết các thách thức toàn cầu trong tương lai như bảo vệ sức khỏe, cung cấp thực phẩm và năng lượng, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng,… Ngành học này cũng cần dựa trên kiến thức nền tảng ngành khoa học cơ bản, với trụ cột là sinh học (khoa học sự sống). Tại Việt Nam, ngành công nghệ sinh học cũng đang nằm trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ.

GS Lê Thanh Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết ngành công nghệ sinh học là ngành học tích hợp nền tảng từ các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt là sinh học, cùng với hóa học, toán học và nhiều lĩnh vực khác. Do đó, sinh viên nắm vững kiến thức các môn khoa học tự nhiên, và có đam mê áp dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn sẽ rất phù hợp để theo đuổi ngành học này.

Khi theo học ngành Công nghệ sinh học tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức cập nhật nhất trong lĩnh vực này, truyền đạt bởi đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và được đào tạo bài bản chủ yếu từ các nước tiên tiến về công nghệ sinh học. Sinh viên cũng sẽ được tiếp cận những trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ nghiên cứu khoa học và nâng cao kỹ năng thực hành. Bên cạnh đó, trường cũng chú trọng bồi dưỡng cho sinh viên khả năng tư duy sáng tạo, hình thành và phát triển tư duy nghiên cứu và làm việc độc lập, phương pháp tiếp cận khoa học.

Đặc biệt, để đạt được điều này, sinh viên được tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp cũng như các hoạt động thực tập thực tế tại các cơ sở đối tác của Khoa Sinh học, thậm chí được tham gia các chương trình hợp tác quốc tế. Từ đó, sinh viên khi ra trường có khả năng ứng dụng công nghệ sinh học vào các lĩnh vực công nghệ, khoa học, kinh tế, xã hội - GS Lê Thanh Sơn nhấn mạnh.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN là một trụ cột vững chắc trong lĩnh vực giáo dục về các ngành khoa học cơ bản. Sứ mệnh của trường không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là việc xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của các ngành khoa học và công nghệ mới. Bằng cách tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhà trường đã và đang đóng góp tích cực vào sự tiến bộ của cả nước trong lĩnh vực khoa học cơ bản và khoa học kỹ thuật.

Cơ hội việc làm rộng mở

Đánh giá về cơ hội việc làm của sinh viên ngành khoa học cơ bản, PGS.TS. Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN chia sẻ: “Khi sinh viên đã nắm vững kiến thức khoa học cơ bản, cánh cửa việc làm luôn rộng mở đa lĩnh vực. Bởi các bạn đã có kiến thức khoa học nền tảng thì việc học bổ sung các kiến thức chuyên môn không phải là một thách thức.

Xin đưa ra ví dụ cụ thể là ngành công nghiệp bán dẫn. Trong hội thảo về các công nghệ mới nổi tổ chức tại Học viện Ngoại giao gần đây, đại diện Đại học Purdue (Mỹ) đã cung cấp số liệu cho thấy tỷ lệ khá cao các sinh viên tốt nghiệp từ các ngành khoa học cơ bản (như vật lý, hóa học) trong cơ cấu nguồn nhân lực làm việc trong ngành công nghệ bán dẫn”.

Với công việc liên quan đến công nghệ bán dẫn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn, đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.

Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân cử nhân lực chất lượng cao các ngành đào tạo liên quan trực tiếp đến công nghệ bán dẫn như ngành Khoa học Vật liệu (chuyên ngành Vật liệu và Công nghệ Bán dẫn, 100 chỉ tiêu), ngành Vật lý (80 chỉ tiêu), ngành Kỹ thuật Điện tử và Tin học (60 chỉ tiêu) trong năm 2024.

Việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ sau đại học cũng tiếp tục được triển khai với hai kỳ tuyển sinh hàng năm. Nhà trường cũng đã và đang thúc đẩy việc hợp tác xây dựng và phát triển chương trình liên kết đào tạo quốc tế ngành Công nghệ Bán dẫn với Trường Đại học Quốc lập Yang Ming Chiao Tung (NYCU), Đài Loan (Trung Quốc). Đây là trường đại học hàng đầu tại Đài Loan trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bậc đại học và sau đại học cho các công ty công nghệ bán dẫn lớn tại thung lũng Silicon ở Hsinchu, Đài Loan (Trung Quốc).

Từ năm 2019, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã sớm phối hợp với NYCU thực hiện Chương trình liên kết quốc tế đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành “Công nghệ Bán dẫn”. Đây là chương trình đào tạo quốc tế sau đại học duy nhất về chuyên ngành Công nghệ Bán dẫn tại Việt Nam đến thời điểm này. Các học viên của 4 khóa học được tài trợ toàn bộ học phí và học bổng cao từ phía NYCU và các công ty công nghiệp bán dẫn lớn trên thế giới. Nhiều học viên tốt nghiệp chương trình liên kết này tiếp tục nhận học bổng học tiến sĩ tại các trường đại học hàng đầu tại Úc, Sinapore, Đài Loan hoặc làm tại các công ty công nghệ bán dẫn lớn ở Đài Loan và Việt Nam.

Theo Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục, đến năm 2025, nước ta sẽ cần ít nhất 35.000 lao động chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Thế nhưng, nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực này hiện chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, do đó cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, đặc biệt công nghệ sinh học chất lượng cao là rất lớn.

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học luôn có cơ hội kiếm được việc làm cao, ở nhiều lĩnh vực hấp dẫn như công nghiệp thực phẩm, nông nghiệp xanh, công nghiệp y sinh dược, công nghiệp môi trường, v.v… Nhiều sinh viên ngành Công nghệ sinh học hiện giữ vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp lớn (ví dụ công ty Bia HN, công ty Ajinomoto, tập đoàn TH, tập đoàn HanVet,…), các cơ quan quản lý (Bộ KHCN và các sở ngành), các trường viện (nhiều người hiện nay là các giáo sư, phó giáo sư, các nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực chuyên môn của công nghệ sinh học),… và đang ngày càng góp phần không nhỏ phát triển nền công nghệ sinh học của đất nước.

Phát huy thế mạnh của một trường đại học khoa học cơ bản hàng đầu của đất nước, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN luôn là một trong những cơ sở đào tạo đại học và sau đại học lớn nhất Việt Nam về các ngành khoa học tự nhiên và khoa học ứng dụng.
Năm 2024, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN tuyển 1.850 chỉ tiêu cho 27 ngành học. Trường dành khoảng 70% chỉ tiêu xét tuyển hoàn toàn bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, 20% dựa vào điểm thi đánh giá năng lực, còn lại là các phương thức khác.