Theo Quyết định số 1166/QĐ-BGDĐT ngày 17 tháng 04 năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn nhận Quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường ĐHSPHN nhiệm kì 2020-2025. PGS.TS Nguyễn Đức Sơn trước khi nhận quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã từng giữ các chức vụ từ Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSPHN.

Trong phần phát biểu nhận nhiệm vụ, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn khẳng định trách nhiệm to lớn đối với mái trường hơn 70 năm được xây dựng nên bởi trí tuệ, công sức, sự chắt chiu, đóng góp của mỗi thầy, cô giáo, cán bộ nhân viên, học viên sinh viên. Ngôi trường là niềm tự hào trong tâm thức của biết bao thế hệ. Tân Hiệu trưởng nhà trường cũng đồng thời bày tỏ niềm vinh dự và hạnh phúc lớn lao khi nhận được sự tin tưởng từ phía thầy cô, đồng nghiệp, học viên, sinh viên và cấp trên

"Tôi hiểu rằng sở dĩ tôi được nhận trọng trách này là bởi các đồng nghiệp, thầy cô, học sinh, sinh viên mong muốn có một người tận tâm làm việc, hành động vì mục tiêu trên hết là vì mái trường thân yêu của chúng ta. Đội ngũ cán bộ, giảng viên muốn có người tin cậy có thể ủy thác để nghĩ về những việc chung. Cán bộ giảng viên muốn có người đồng hành, có thể lắng nghe và giúp mỗi người phát huy sở trường và tiềm năng của mình. Cấp trên muốn những người thực hiện chủ động, sáng tạo những nhiệm vụ được giao. Những điều đó sẽ trở thành tâm niệm của tôi mỗi ngày làm việc".

Sau buổi lễ trao quyết định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc làm việc với Đại học Sư phạm Hà Nội để trao đổi với lãnh đạo nhà trường nhằm khẳng định vai trò, vị trí và những việc cần làm với trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong công tác đổi mới chất lượng đào tạo, đóng góp cho công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà.

Tân hiệu trưởng Nguyễn Đức Sơn thay mặt cán bộ, nhân viên, giảng viên, sinh viên nhà trường đã báo cáo những khó khăn của trường đại học Sư phạm Hà Nội trong hành trình nỗ lực đổi mới đồng thời có những đề xuất nhằm làm tốt hơn công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục cả nước. Trong bản đề xuất của trường đại học Sư phạm Hà Nội trình bày trước bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nêu ra 6 vấn đề:

Cho phép thành lập trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục với 2 nhóm đối tượng chính gồm: các cơ sở đào tạo giáo viên và chương trình đào tạo giáo viên các cấp. Kiểm định chất lượng giáo dục mầm non và phổ thông (thí điểm). Nhà trường đã đáp ứng các điều kiện để thành lập trung tâm và đã xây dựng xong đề án.

Thành lập Trung tâm giáo dục Quốc phòng và An ninh với chức năng đào tạo giáo viên Quốc phòng- An ninh, Đào tạo quốc phòng cho sinh viên; bồi dưỡng đội ngũ giáo viên Quốc phòng-An ninh và các đối tượng khác.

Hỗ trợ kết nối với một số tỉnh thực hiện thí điểm mô hình bồi dưỡng thường xuyên theo chu kì phát triển nghề nghiệp- phát triển mô hình ETEP.

Tham gia đánh giá việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tổ chức (thí điểm) đánh giá và cấp chứng chỉ tiếng Việt cho người nước ngoài ở nước ngoài theo khung năng lực để có đánh giá tổng thể công tác tổ chức thi ở trong nước và sẽ nghiên cứu để các đơn vị có thể tổ chức thi ở nước ngoài bao gồm việc phải tuân thủ các quy định của nước sở tại.

Cho phép thí điểm các phương án tài chính; tính bù kinh phí cho các phần khối lượng cao hơn so với chương trình đại trà.

6 nội dung đề xuất từ đại học Sư phạm Hà Nội đã nhận được ý kiến phản hồi lần lượt từ Cục Quản lí chất lượng; Vụ Giáo dục Quốc phòng và An Ninh; Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lí giáo dục; các vụ bậc học; Vụ Kế hoạch- Tài chính.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trong phần phát biểu của mình tập trung vào vai trò, vị trí và những việc cần làm của trường đại học Sư phạm Hà Nội trong việc đổi mới và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục toàn ngành. Nhìn trên bình diện tổng thể của toàn ngành sư phạm, Bộ trưởng khẳng định với một tư duy tích cực, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đầy lợi thế cho sự phát triển.

“Nhắc lại câu chuyện định vị chúng ta đều biết và thống nhất triệt để việc các trường sư phạm rất quan trọng. Trường đại học Sư phạm Hà Nội là trường quan trọng nhất, từ lâu xác định là trường trọng điểm và trong quy hoạch mạng lưới các trường đại học cao đẳng đã đặt riêng một vế về các trường sư phạm để khẳng định hệ thống này riêng và rất quan trọng. Nhà trường có một vị trí đặc biệt, then chốt, quan trọng trong hệ thống giáo dục và đào tạo", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định vị thế của trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong tổng thể giáo dục đại học nói chung, đào tạo ngành Sư phạm nói riêng.

Ngành giáo dục đang đổi mới. Và để làm được điều này cần đổi mới, phát triển đội ngũ giáo viên. Đây được coi như nền tảng, đột phá, quan trọng để đổi mới toàn bộ nền giáo dục nước nhà.

Nhu cầu học tập của xã hội, cung cấp các loại dịch vụ giáo dục cho xã hội ngày càng lớn, ngày càng đa dạng và có càng nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giáo dục phục vụ nhu cầu học tập ngày càng lớn và đa dạng. Đây được coi như cơ hội cho ngành sư phạm, trong đó trường đại học Sư phạm Hà Nội ở vị trí dẫn đầu có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Về câu chuyện tự chủ đại học theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cho rằng dù tiến tới tự chủ hoàn toàn nhưng trường đại học Sư phạm Hà Nội vẫn nhận được sự hỗ trợ thông qua người học và cơ chế đặt hàng.

Giáo dục phổ thông đang trên hành trình đổi mới cần một lực lượng lớn giáo viên cũng tạo thêm những thuận lợi lớn cho sự phát triển của nhà trường.

Nhấn mạnh đến yêu cầu đổi mới mô hình đào tạo giáo viên, Bộ trưởng cho rằng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần thực sự bao quát toàn bộ hoạt động khoa học giáo dục, lĩnh vực giáo dục.

Trong việc đổi mới mô hình đào tạo, Bộ trưởng lưu ý, cần quan tâm đến khoa học cơ bản để làm nền tảng đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó, có thể mở rộng thêm một số lĩnh vực đào tạo khác theo hướng đa ngành. Khi đào tạo như vậy, việc tuyển sinh sẽ rộng mở hơn, có nguồn lực lớn hơn để phát triển nhà trường, việc xây dựng đội ngũ cũng sẽ khác, tư duy trong nghiên cứu, đào tạo của các thầy cô cũng sẽ có điều chỉnh. “Từ khóa với chúng ta là 2 chữ “năng động”, phải năng động hơn nữa”, Bộ trưởng nói.

Lưu ý một số vấn đề cụ thể, trước mắt, Bộ trưởng đề nghị Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần rà soát lại chiến lược của nhà trường, kiện toàn đội ngũ; sắp xếp lại cơ cấu ngành nghề đào tạo, chương trình đào tạo; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách cho Bộ GD-ĐT, quan tâm hướng nghiên cứu có tính đánh giá thực tiễn, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản…

Bộ trưởng đồng thời trao đổi cụ thể về một số kiến nghị của nhà trường liên quan đến thành lập tổ chức kiểm định riêng cho khối sư phạm, đào tạo bằng tiếng Anh, đào tạo THPT chuyên, cơ sở vật chất… Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách trong đào tạo bằng tiếng Anh và nâng cao năng lực tiếng Anh cho giáo sinh và nêu 3 nhóm đào tạo giáo viên cần tăng cường là nhóm giáo viên dạy tiếng dân tộc, giáo viên dạy các môn học mới, giáo viên dạy tiếng Việt.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia và khu vực, đào tạo các chuyên gia xuất sắc có đóng góp đặc biệt quan trọng cho hệ thống giáo dục và xã hội thông qua các chương trình nghiên cứu, hợp tác đào tạo đại học và sau đại học có chất lượng cao.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hiện có 45 ngành đào tạo trình độ đại học, trong đó có 28 chuyên ngành sư phạm, 17 chuyên ngành ngoài sư phạm, 55 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 43 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.

Trường đã được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng chu kì 2 theo tiêu chuẩn của Bộ GDĐT. Trường xây dựng chiến lược đến năm 2030 sẽ có những kết quả vượt trội trong nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên chất lượng cao ở tầm quốc gia và quốc tế.

Trường kỳ vọng giai đoạn tới sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình tự chủ, khẳng định vị thế mới của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong hệ thống giáo dục và đào tạo.