Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến ở khối tiểu hoc và THCS khá cao: trên 97%, khối THPT là 99%. Trong đó khối tiểu học có hơn 30.000 học sinh đang ở các tỉnh, 26.000 em đăng ký học chương trình trực tuyến tại TP.HCM, 5.000 học sinh đang học tại địa phương hoặc chưa có thiết bị. Những học sinh chưa có thiết bị học tập sẽ được giáo viên gửi phiếu học tập và tài liệu hướng dẫn về tận nhà.

Qua thời gian dạy và học trực tuyến, ngành giáo dục TP nhận định, việc học vẫn còn nhiều khó khăn, do hơn 1,3 triệu học sinh cùng lúc đăng nhập gây nên trình trạng quá tải hệ thống. Trước đó Sở cũng đã có văn bản gửi các đơn vị đề nghị tăng đường truyền trực tuyến để phục vụ dạy và học, tuy nhiên do tình hình giãn cách nên việc đáp ứng chưa thực sự nhanh chóng.

Về cơ sở vật chất chuẩn bị cho việc dạy và học khi học sinh quay trở lại trường, ông Hiếu cho biết hiện nay có hơn 1.500 cơ sở giáo dục được trưng dụng là cơ sở cách ly điều trị COVID-19, trong đó chỉ khoảng 150 trường được trả lại để khử khuẩn sửa chữa, chuẩn bị cho việc học trực tiếp. Đến khoảng tháng 11/2021, các cơ sở này sẽ hoàn tất việc chuyển giao và cần khoảng 1 tháng để sửa chữa, khôi phục. Dự kiến đầu tháng 1/2022, các trường tại TP.HCM sẽ dạy trực tiếp trở lại.

Ông Hiếu thông tin thêm, hiện có 2 trường ở xã đảo Thạnh An được UBND huyện Cần Giờ đề xuất để dạy và học trực tiếp vào ngày 11/10 sắp tới. Cụ thề, kế hoạch của huyện Cần Giờ chỉ có các lớp: 1, 2, 6, 9 và 12 đề nghị được đi học trực tiếp trở lại với số lượng chỉ có 242 học sinh và khoảng 60 giáo viên. Số này đã được đảm bảo đủ điều kiện an toàn để học trực tiếp tại xã đảo Thạnh An. Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã kiểm tra và yêu cầu các trường này xây dựng thêm một số nội dung để đảm bảo tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19 khi học sinh đến trường trở lại.