Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục đại học liên tục mở các ngành, chương trình đào tạo mới nhằm thu hút thí sinh, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội. Dù vậy, việc các trường ồ ạt mở ngành mới cũng gây ra những lo ngại về khâu kiểm định chất lượng.

Khảo sát, đánh giá nhu cầu trước khi mở ngành

Việc mở các ngành, chương trình đào tạo mới cần phải dựa trên một nền tảng khảo sát kỹ lưỡng về nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Không thể phủ nhận, giáo dục đại học cũng gắn với phát triển kinh tế-xã hội nên việc các trường ĐH mở ra những ngành nghề đào tạo mới cũng là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng sự thay đổi rất nhanh của thị trường.. Do đó, việc khảo sát nhu cầu thị trường lao động trở thành bước quan trọng để đảm bảo rằng các ngành đào tạo mới phản ánh đúng nhu cầu của xã hội.

Theo TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT: việc mở ngành mới phải nằm trong chiến lược phát triển của nhà trường, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của trường đó. Khảo sát, đánh giá nhu cầu trước khi mở ngành là nhiệm vụ bắt buộc cần dựa trên ba yếu tố chính là nhu cầu nhân lực của xã hội, khả năng đáp ứng của nhà trường và thực trạng chất lượng đào tạo của các trường có cùng ngành đào tạo. Tránh tình trạng mở ngành nhưng không tuyển được sinh viên, đào tạo ngành mới nhưng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm gây tốn kém, lãng phí.

Bên cạnh đó, TS. Phạm Như Nghệ nhấn mạnh định nghĩa mở ngành mới trong giáo dục đào tạo. Trong suốt nhiều năm qua, theo thống kê chỉ có khoảng hơn 10 ngành mới được mở ra. Ví dụ như các ngành: trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, kỹ thuật hàng hải, trinh sát kỹ thuật, kinh tế số, công nghệ tài chính, Sư phạm... Các trường được cho là mở ngành mới, bản chất là “mới’ so với những ngành đã tồn tại trong trường. Nhưng thực tế ngành đó đã được một số trường khác trong hệ thống giáo dục triển khai đào tạo từ trước.

Với xu hướng có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành chip bán dẫn tại Việt Nam, thời gian tới nhu cầu nhân lực ngành chip bán dẫn có thể tăng. Để đáp ứng được nhu cầu nhân lực của thị trường, Đại Học Bách Khoa Hà Nội đang tập trung tăng cường chất lượng của các ngành đúng với mục tiêu hàng năm cung cấp được khoảng 120-150 kỹ sư vi mạch bán dẫn ra thị trường.

Thận trọng tìm hiểu nhu cầu nhân lực để tính toán cơ cầu đào tạo, PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó hiệu trưởng trường Điện - Điện tử, ĐHBK Hà Nội cho biết: “Nếu nhu cầu thị trường nhân lực tiếp tục tăng, Đại Học Bách Khoa Hà Nội sẽ tổ chức các khóa học chuyên sâu ngắn hạn theo nhu cầu doanh nghiệp để đào tạo chuyển đổi cho các kỹ sư ngành gần sang làm việc trong lĩnh vực chip bán dẫn. Các chương trình đào tạo ngành gần của Bách Khoa Hà Nội đang đào tạo khoảng 3000 kỹ sư mỗi năm có thể chuyển đổi sang lĩnh vực chip bán dẫn sau 1 năm đào tạo chuyên sâu”.

Tăng cường công tác hậu kiểm

Mới đây, Thanh tra Bộ GD&ĐT công bố kết luận thanh tra một số trường đại học, đồng thời yêu cầu một số trường phải dừng tuyển sinh hàng loạt ngành. Trong kết luận thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, nhiều trường xảy ra vi phạm khi tự chủ mở ngành.

TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đánh giá: nhiều trường đại học đã mở ngành không có sự kiểm soát. Có những giáo sư, tiến sĩ đứng tên đồng thời trong 4,5 ngành học của cùng một trường đại học, điều này đặt ra vấn đề về kiểm soát chất lượng của các ngành đào tạo mới. Các trường đại học thường tập trung vào việc tăng số lượng thí sinh và mở thêm ngành học mà không có kế hoạch công khai rõ ràng trong phân chia trách nhiệm quản lý chương trình đào tạo, và không tính toán đúng, đủ về khối lượng giờ dạy của cán bộ giảng viên. Dẫn đến việc nhiều chương trình đào tạo không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, hoặc thậm chí không có sinh viên tham gia theo học.

Các trường phải công khai, minh bạch mọi dữ liệu tuyển sinh (từ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình, các phương thức xét tuyển) để thí sinh lựa chọn. Hiện nay, Bộ GD&ĐT quản lý việc tuyển sinh, mở ngành của các trường thông qua những dữ liệu này, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau mỗi mùa tuyển sinh.

Ngoài ra, việc mở ngành nằm trong quyền tự chủ của các trường đại học. Chính vì vậy, đây là cơ hội cho các trường thiết kế những chương trình đào tạo phù hợp hơn với thí sinh và nhà tuyển dụng, đồng thời có thể đáp ứng được các nhu cầu đa dạng của thị trường lao động. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của hệ thống giáo dục Việt Nam là phải bám sát mã ngành đào tạo do Bộ Giáo dục Đào tạo, thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, chương trình đào tạo đúng khung do Nhà nước đã quy định. Đây là một trong những cái bất cập hiện nay mà nhiều trường đại học mong muốn khắc phục.

TS Lê Đông Phương chia sẻ :“Những chương trình đào tạo thiết kế theo hướng liên ngành hoặc là kết hợp nhiều lĩnh vực chuyên môn sẽ không khớp được vào khung phân loại mã ngành đào tạo. Quy định về chuyên môn của người đứng tên trong hồ sơ mở ngành cũng là một bất cập vì những lĩnh vực mới. Những ngành mới thì sẽ khó có thể tìm được những người có trình độ học vấn tiến sĩ được đào tạo đúng ngành đó, nhất là những ngành đặc biệt khó tìm được người dạy có chuyên môn phù hợp.”

Theo Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định ngành đào tạo đã được mở sẽ hết hiệu lực nếu trong 3 năm liên tiếp (đối với đào tạo đại học) hoặc 5 năm liên tiếp (đối với đào tạo thạc sĩ hoặc tiến sĩ), cơ sở đào tạo không tổ chức hoặc không tuyển sinh được. Để tiếp tục đào tạo ngành này, cơ sở đào tạo phải tuân thủ lại các quy định và thủ tục mở ngành như được quy định trong Thông tư này và các quy định pháp luật liên quan.

Chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên

Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay mở hai ngành đào tạo mới hệ cử nhân là ngành cử nhân về kiến trúc và thiết kế cảnh quan và ngành nghệ thuật thị giác. Đây là hai ngành nằm trong khối kiến trúc và nghệ thuật của trường, là một trong những định hướng để mở ra những ngành liên quan đến kiến trúc, nghệ thuật và thiết kế. Trong nghệ thuật thị giác, trường chọn hai ngành rất quan trọng, đó là nhiếp ảnh nghệ thuật và nghệ thuật tạo hình đương đại.

PGS. TS Nguyễn Văn Hiệu, hiệu trưởng trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (ĐHQG Hà Nội) cho biết: Để xây dựng một chương trình thì nhà trường phải thực hiện khảo sát nhu cầu hiện nay của xã hội. Ngoài ra, nhà trường cũng tham khảo các chương trình quốc tế và hơn nữa phải chuẩn bị một lực lượng cán bộ giảng dạy tốt có chuyên môn sâu về thiết kế mỹ thuật, nghệ thuật, kiến trúc. Gần 60% các thầy cô của nhà trường được đào tạo bài bản ở nước ngoài và đấy là một sự khác biệt biệt của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật ( ĐHQG Hà Nội ) so với các các cơ sở đào tạo khác.

“Chúng tôi có những cơ sở vật chất đầu tư một cách thích đáng cho chương trình này, đó là các xưởng và các phòng lab. Đặc biệt là chúng tôi xây dựng một mô hình đào tạo sinh viên viên ưu tú. Do đó, chúng tôi có những kết hợp giữa giảng dạy ở nhà trường và dùng ngay phòng lab của các nghệ sĩ để vừa học, vừa thực hành luôn trong quá trình tương tác” - PGS. TS Nguyễn Văn Hiệu khẳng định.

Trong việc mở ngành mới, việc đảm bảo chất lượng là nhiệm vụ bắt buộc. Chất lượng đào tạo không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của sinh viên mà còn đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Để đạt được mục tiêu này, các trường đại học cần có thận trọng trong quy trình, từ khảo sát nhu cầu đến thực hiện chương trình đào tạo, cùng với việc đầu tư vào cơ sở vật chất và nguồn lực nhân lực chất lượng. Từ đó, nhà trường mới có thể tạo dựng được độ tin cậy, uy tín, khẳng định được thế mạnh và sứ mệnh đào tạo của mình. Chỉ khi đảm bảo được chất lượng, ngành mới mở ra sẽ thực sự có ý nghĩa và giá trị trong việc đáp ứng nhu cầu của xã hội và mang lại cơ hội phát triển cho người học.

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, các thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ từ ngày 18/7 và được điều chỉnh nguyện vọng, không giới hạn số lần, đến 17h ngày 30/7. Trước xu thế mở ngành hiện nay, các chuyên gia lưu ý các thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định chọn trường, chọn ngành. Đảm bảo ngành phù hợp năng lực của bản thân, trường học đáp ứng chất lượng đào tạo của ngành đó.