Lớp thiết kế đồ họa và Dán nhãn dữ liệu dành cho thanh niên là người khuyết tật được trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và Tổ chức Angel's Haven (Hàn Quốc) tổ chức đến khóa thứ 3. Các học viên đều là người khuyết tật và đều có khát vọng được trang bị kỹ năng nghề từ đó hòa nhập thị trường lao động.
Lê Tùng Lâm, 26 tuổi (Sóc Sơn, Hà Nội) theo học tại lớp đào tạo nghề dành cho thanh niên khuyết tật sau khi trải qua nhiều khó khăn trong việc làm, nghề nghiệp. Trước đó, Lâm từng trải qua nhiều công việc như telesale, maketing, bảo vệ... nhưng vì là người khuyết tật nên việc hòa nhập gặp không ít khó khăn.
“Ngay cả công việc bảo vệ thôi em cũng phải xin đến 5-6 nơi họ mới nhận”, Tùng cho biết.
Trước đó, năm học lớp 11, Lê Tùng Lâm bị tai nạn xe máy. Vụ tai nạn khiến bạn trẻ này trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và phải mất 2 năm để phục hồi chức năng. Mặc dù thoát cảnh nằm liệt một chỗ nhưng việc đi lại của Lâm vẫn không được như những người bình thường.
Lâm chia sẻ: “Vụ tai nạn đó em rất sốc vì dường như lấy đi của em tất cả. Em không hoạt động được như người bình thường, mọi người nhìn em với ánh mắt thương hại. Bế tắc nhất là công việc.”
Sau những khó khăn về công việc, Nguyễn Tùng Lâm tìm thấy cơ hội cho mình khi trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội tuyển sinh, đào tạo nghề cho các thanh niên khuyết tật. Điều may mắn hơn cho Tùng Lâm, chương trình đào tạo ngắn hạn ngành thiết kế đồ họa hoàn toàn miễn phí.
“Đối với những người khuyết tật như em học ngành thiết kế đồ họa rất phù hợp vì không phải di chuyển, không phải giao tiếp nhiều, chủ yếu làm việc trên máy tính. Trải qua nhiều công việc nên em hiểu cuối cùng vẫn cần có một nghề. Em mong sau này khi hoàn thành khóa học có thể xin được công việc hoặc tự nhận việc về để làm”, Tùng Lâm nói.
Phan Văn Tuấn (Hưng Yên) cũng tìm đến lớp thiết kế đồ họa dành cho thanh niên khuyết tật của trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội với mong muốn có thể làm chủ được nghề nghiệp và cuộc sống.
Trước đó, Tuấn từng làm công việc ở xưởng lắp ráp ô tô nhưng khi dịch Covid-19 ập đến, công ty gặp khó khăn và Tuấn bị cho nghỉ việc. Do bị dị tật hở hàm ếch, việc nói năng, giao tiếp gặp khó khăn nên tìm kiếm công việc mới là điều khó khăn với Tuấn.
“Khi theo học lớp đồ họa này, mẹ và gia đình em vui lắm vì hy vọng có thể có việc làm ổn định sau này. Bên cạnh đó, khi theo khóa học nghề này, học viên không phải đóng học phí và được nhà trường hỗ trợ nơi ở ", Phan Văn Tuấn cho biết.
Mỗi học viên theo học lớp thiết kế đồ họa của Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội bị một dạng tật khác nhau và đều thuộc gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng có chung mong muốn sau khi hoàn thành khóa học sẽ có việc làm và không còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
"Trước đó em đã học đến lớp 10 nhưng không học tiếp được nữa. Em học lớp đồ họa này mong muốn sau này có việc làm", Hoàng Long, 16 tuổi (Hà Nội) mong muốn.
Cô Nguyễn Nam Anh, giảng viên khoa Công nghệ thông tin (Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội) cho biết, dạy nghề cho người khuyết tật là một hành trình khó khăn. Do học viên đều bị khiếm khuyết một phần cơ thể nên việc tiếp thu bài giảng không dễ dàng.
"Mặc dù khuyết tật nhưng mỗi bạn lại có một tố chất khác nhau. Đặc biệt, nhiều bạn có tố chất về bố cục, màu sắc... rất phù hợp với lĩnh vực thiết kế đồ họa. Đặc biệt, các học viên đều rất ham học. Lớp dạy một tuần từ 3-4 buổi và các bạn lúc nào cũng háo hức chờ đợi để được đến lớp học", cô Nguyễn Nam Anh chia sẻ.
Sau 2 khóa được tổ chức, 36 học viên là thanh niên khuyết tật đã tốt nghiệp các khóa học về Thiết kế đồ họa và Dán nhãn dữ liệu. Hơn một nửa học viên này đã có việc làm.
"Khi tiếp nhận hồ sơ không phải học viên nào cũng được tiếp nhận vì quan trọng bạn đó phải phù hợp với ngành nghề đào tạo. Đào tạo xong mà không có việc làm thì rất lãng phí do vậy Trường phải sàng lọc. Chúng tôi tuyển sinh và đào tạo hai ngành về Thiết kế đồ họa và Dán nhãn dữ liệu cũng là phù hợp với nhiều bạn khuyết tật", ông Kiều Thành Chung, Trưởng khoa CNTT, Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội cho biết.
Cũng theo ông Kiều Thành Chung, kết thúc khóa học, học viên được cấp Chứng chỉ hoàn thành khóa học Thiết kế đồ họa/ Dán nhãn dữ liệu; được hỗ trợ tìm kiếm việc làm; có cơ hội được làm việc tại môi trường công ty chuyên nghiệp, hiện đại; và được tham gia trải nghiệm các hoạt động đào tạo và phong trào sinh viên trường...
Trao đổi với P/V VOV2, TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, mấu chốt quan trọng trong đào tạo nghề cho người khuyết tật là phải giải quyết được việc làm. Chỉ khi giải quyết được việc làm thì việc đào tạo nghề cho người khuyết tật mới ý nghĩa. Chính vì vậy, khi triển khai chương trình dạy nghề cho thanh thiếu niên khuyết tật, trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội phối hợp chặt chẽ các tổ chức xã hội, doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người học.
"Sau khi hoàn thành khóa thứ 3 đào tạo nghề cho thanh niên khuyết tật, Trường sẽ có những đánh giá, tổng kết, phân tích dữ liệu để rút ra bài học kinh nghiệm từ đó hướng đến mục tiêu thành lập trung tâm dạy nghề dành cho người khuyết tật tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội", ông Khánh nói.
Cũng theo TS. Phạm Xuân Khánh việc thành lập Trung tâm đào tạo nghề cho người khuyết tật tại Trường là một nhiệm vụ khó và nhiều thách thức khi Trường phải chuẩn bị kỹ lượng chương trình, đội ngũ giáo viên, chuyên gia, cơ sở vật chất, cải tạo phòng học, khuôn viên phù hợp cho người khuyết tật... nhưng đây là việc cần phải làm để góp phần giúp người khuyết thật có kỹ năng nghề từ đó có việc làm, giảm sự phụ thuộc vào gia đình, xã hội.
"Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đang có mối liên hệ, hợp tác với nhiều doanh nghiệp. Đây là thế mạnh của Trường trong việc tham gia đào tạo nghề cho người khuyết tật. Dĩ nhiên, Trường rất mong có sự hỗ trợ về chính sách từ nhà nước để sớm thực hiện được mục tiêu thành tập Trung tâm đào tạo nghề cho người khuyết tật tại Trường", TS. Phạm Xuân Khánh chia sẻ.
Bấm nghe chương trình: