Lẽ thường người phụ nữ nào khi kết hôn cũng luôn mong có được một cuộc sống hôn nhân viên mãn, kinh tế khá giả, chồng yêu thương, chăm sóc, che chở cùng những đứa con ngoan. Thế nhưng, đâu phải ai cũng may mắn như vậy. Cô ấy tuy rằng lấy được người chồng có điều kiện kinh tế nhưng anh không những vô tâm, vô trách nhiệm mà còn không chịu lớn. Việc lớn nhỏ gì giữa hai vợ chồng cũng đều kể lể và làm theo lời mẹ. Vì phải chịu sự o ép quá lớn trong một khoảng thời gian dài, cô ấy đã bị trầm cảm. Cần làm gì để thoát khỏi cuộc sống hiện tại?

Sau khi câu chuyện được phát sóng, nhiều thính giả đã bày tỏ sự đồng cảm và sẻ chia với nhân vật:

Biên tập viên chương trình cũng có đôi điều muốn chia sẻ với nhân vật như thế này:

Điều cần nhất đối với bạn lúc này là xác định rõ mục tiêu, mong muốn của mình trong cuộc sống và sau đó vạch ra kế hoạch để thực hiện nó. Tôi hiểu rằng, để đưa ra quyết định ly hôn hay tiếp tục cuộc hôn nhân đầy bế tắc, phụ nữ cũng có nhiều đắn đo, phân vân: nào là con cái, nào là bố mẹ, người thân, họ hàng, rồi cả vấn đề kinh tế nữa… Có quá nhiều thứ xung quanh tác động khiến người phụ nữ không thể đưa ra được lựa chọn. Nhưng cũng vì thế mà phụ nữ luôn bị mắc kẹt bởi những suy nghĩ ngổn ngang, không có hồi kết của chính mình.

Nếu vẫn còn tình cảm với chồng, vẫn muốn con lớn lên nhận được cả tình yêu thương của bố và mẹ thì bạn nên cho chồng bạn thêm một cơ hội. Tôi nghĩ rằng, không hẳn chồng bạn không chịu lớn mà chẳng qua khi sống chung cùng bố mẹ, các anh chồng thường có tâm lý ỷ lại. Mình không làm thì bố mẹ sẽ làm, thậm chí bố mẹ còn giành làm hộ. Và đương nhiên, khi cuộc sống phải phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ thì chẳng thể có được tiếng nói trong gia đình.

Về kinh tế, vợ chồng bạn hiện giờ có đủ để lo cho cuộc sống của ba người hay không? Nếu có, bạn hãy nhẹ nhàng, tình cảm thuyết phục chồng ra ở riêng. Khi anh ấy đồng ý thì cả hai hãy bày tỏ sự cương quyết, sự cố gắng vun đắp cho tổ ấm nhỏ của mình như thế nào để bố mẹ chồng bạn không thể can thiệp, ngăn cản. Nhưng có một điều, bạn phải xác định rằng, không phải ngày một ngày hai mà chồng bạn thay đổi, biết chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái với bạn. Có thể vợ chồng bạn sẽ cãi vã nhiều hơn nên bạn hãy là người bình tĩnh, nhẫn nhịn để thay đổi anh ấy. Sẽ là chặng đường dài, đòi hỏi ở bạn sự kiên trì, bền bỉ, lâu dài.

Ngược lại, nếu bạn quyết định ly hôn, bạn cũng cần chuẩn bị về mặt kinh tế thật tốt để có thể lo cho cuộc sống của hai mẹ con. Thay vì bạn ngồi đó lo lắng chồng có thu nhập cao hơn, chồng sẽ giành được quyền nuôi con thì bạn hãy làm tốt công việc hiện tại, nếu có thể hãy làm thêm một vài công việc khác để tăng thu nhập, có thêm khoản tiền tiết kiệm. Điều đó sẽ giúp cho bạn rất nhiều trong thỏa thuận nuôi con sau này.

Còn trong trường hợp xấu nhất bạn không giành được quyền nuôi con thì tôi nghĩ rằng điều đó cũng không có gì quá tồi tệ. Bạn hoàn toàn có thể tới thăm con hàng tuần, pháp luật cũng quy định rất rõ về điều này. Khi con lớn hơn, con cũng có thể tự đến thăm bạn khi con muốn. Quan trọng là bạn có giữ được liên lạc, có giữ được tình cảm mẹ con để con không cảm thấy quá xa lạ với mẹ hay không mà thôi.

Một trường hợp khác là bạn hãy cố gắng nhẫn nhịn, chịu đựng thêm hai năm nữa, bởi theo quy định khi con đủ 7 tuổi, con hoàn toàn có quyền quyết định lựa chọn ở với bố hay ở mẹ trước tòa. Khi ấy, có lẽ bạn sẽ không phải quá lo lắng gia đình chồng hay chồng sẽ ngăn cản việc bạn được quyền nuôi con.

Bạn ạ, trong cuộc sống có nhiều người phụ nữ cũng từng ở hoàn cảnh của bạn, nhất là những năm đầu kết hôn. Có những người phải mất chục năm mới thích nghi được nếp sống của gia đình nhà chồng. Cũng bởi họ quá cầu toàn, quá mong chờ một sự hoàn hảo, quá ảo tưởng về cuộc sống lứa đôi. Chính vì vậy, họ đã bị vỡ mộng sau khi kết hôn. Tôi cảm nhận ở bạn có chút gì đó hụt hẫng, thất vọng vì gia đình chồng và cả chồng bạn nữa không như những gì bạn mong đợi, cho nên ngay ấn tượng đầu tiên đã khiến bạn cảm thấy gia đình chồng thật giả tạo, tất cả những gì tốt đẹp chỉ là vỏ bọc bên ngoài.

Thế nhưng, ở đời này chẳng có gì là trọn vẹn cả. Được cái này sẽ mất cái kia. Điều quan trọng là mình phải biết dung hòa, biết bằng lòng với những gì mà mình đang có. Có bao giờ bạn thử nghĩ xem liệu mình có quá khắt khe, quá đòi hỏi với chồng, với gia đình chồng hay không? Bạn đã thay đổi như thế nào để thích nghi với cuộc sống hiện tại?

Với câu chuyện của bạn, tôi nghĩ rằng, bạn thử một lần đặt lên bàn cân so sánh một cách công tâm nhất giữa được và mất trong cuộc hôn nhân này, và khi ấy bạn sẽ tìm được phương án tốt nhất cho mình. Chúc bạn sáng suốt.