Một thời sôi nổi, gian truân…
Đến thôn Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, hỏi nhà bà Vui, ai cũng tíu tít chỉ: “Bà Vui, “bà tiên, bà bụt của những mảnh đời bất hạnh” chứ gì! Mới rồi có mấy tổ chức nước ngoài về tặng quà đấy, lại còn cho nhiều bánh Trung thu cho các em nữa!”.
Căn phòng làm việc ngăn nắp với các tấm Huân chương Lao động hạng Hai, hạng Ba và nhiều Bằng khen về công tác từ thiện được treo trang trọng trên tường. Chủ nhân của căn phòng và các phần thưởng cao quý đó là bà Nguyễn Thị Vui, tuổi 73, da còn xanh rớt sau một cơn bạo bệnh.
Trước cơ ngơi khang trang, bà Vui kể: “Ngày xưa, lúc tôi mới về đây nhận nhiệm vụ, mọi thứ ngổn ngang lắm. Mùa mưa thì dột nát, nước ngập vào tận đầu giường, mùa hè thì nhìn thấy cả bầu trời. Mới rồi, cái mái hiên bê tông nặng cả trăm tấn bỗng dưng đổ ập nhưng may không ai làm sao. Tôi hoảng quá liền đứng ra vận động các tổ chức ủng hộ kinh phí để sửa sang lại. Huyện cho 100 triệu đồng, còn thiếu đâu tôi bù. Thế này là tốt rồi chú ạ”.
Sinh năm 1943, bà Vui đã có một quãng đời sôi nổi và tràn đầy hoài bão. Giấy tờ, văn bản, tài liệu của tổ chức và địa phương còn ghi nhận: Bà từng phụ trách công tác Đoàn, rồi làm Xã đội phó, Chủ tịch Hội Phụ nữ và gần 45 năm làm Bí thư Chi bộ thôn... Giai đoạn 1970 - 1980, bà được phân công làm Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Sơn khảm Ngọ Hạ. Cơ ngơi của HTX là 100m2 lều lán tạm bợ và khoản nợ 37 triệu đồng từ nhiệm kì trước như một gánh nặng đè lên vai người phụ nữ bé nhỏ.
Thế là bà Vui rong ruổi khắp nơi mong có tiền sang sửa lại cơ sở của HTX, trả lương cho thợ và mua gỗ nguyên liệu để vực dậy nghề truyền thống của quê hương đang dần mai một. Không ít lần, bà đến các tỉnh, thành trong nước, thậm chí sang tận Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Malaysia, Lào, Ba Lan… để giới thiệu sản phẩm và kí kết hợp đồng làm ăn. Nhờ thế, HTX từ chỗ khó khăn đã dần ổn định, đi vào hoạt động quy mô và chuyên nghiệp.
Người mẹ tận tâm của những đứa trẻ bất hạnh
Từ ngày về HTX, bà đặc biệt quan tâm cưu mang trẻ em nghèo khổ. Bà cho biết: “Tôi chưa từng thấy ở địa phương nào mà trẻ em tật nguyền, mắc các chứng bệnh dị thường lại nhiều như quê tôi. Toàn xã có 500 trẻ khuyết tật, thế mà Trung tâm này mới chỉ tiếp nhận có trên dưới 50 em”.
Từ năm 1970 trở lại đây, có lúc có tới hơn 10 đứa trẻ cơ nhỡ được chăm sóc bởi bàn tay “nữ Bồ Tát giữa đời thường” Nguyễn Thị Vui. Dù lúc đó, bà chưa một lần làm mẹ, nhưng lại có “năng lực” gắn bó với trẻ em, bà tiếp cận những đứa trẻ lang thang, điều tra lí lịch và đưa chúng về trung tâm nuôi nấng, dạy dỗ thành nghề.
Thế rồi, bà nảy ý tưởng mở lớp nuôi dạy nghề sơn khảm cho trẻ khuyết tật, mồ côi hoặc con em các gia đình chính sách ngay tại HTX. Biết được ước nguyện của bà, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tây (cũ) đã tạo điều kiện để bà thực hiện. Nhiều khi Trung tâm dạy nghề gặp khó khăn về tài chính, bà phải chạy vạy khắp nơi vay mượn anh em, bạn bè, hàng xóm, không ít lần phải thế chấp nhà với ngân hàng để có tiền hoạt động. Bà Vui bảo, không khi nào bà cho phép mình nản chí. “Vì nếu bỏ cuộc lúc này, hơn ai hết, các cháu là những người khổ đầu tiên. Tôi không cam lòng”.
Từ ngôi nhà tình thương này, nhiều em trở thành người thợ lành nghề có thu nhập cao. Anh Nguyễn Văn Ánh, 35 tuổi, ở thôn Tre, học sinh khóa đầu của HTX, sau khi học nghề đã vào Gia Lai mở xưởng khảm trai lớn với 35 thợ, thu nhập ổn định. Chị Đỗ Thị Chi, 27 tuổi, quê ở Đắk Lắk bị liệt cả hai chân, mới nhập học, tâm sự: “Gia đình có 5 chị em, cuộc sống quá túng bấn, tôi rất muốn giúp đỡ cha mẹ nhưng sức khỏe không cho phép nên thấy mình thật vô dụng. May mắn, trong một lần xem ti vi, tôi biết HTX của bà Vui nhận nuôi và dạy nghề cho người khuyết tật, tôi tới xin được theo học. Từ bấy đến nay, tôi luôn nhận được sự quan tâm của mẹ Vui và các mẹ trong trung tâm. Mai này, khi thành thạo nghề, tôi sẽ về quê hương mở xưởng sơn khảm để vừa sống tự lập, vừa giúp ích cho gia đình”.
Đâu chỉ dạy nghề, dạy việc, bà Vui còn như người mẹ hiền, chăm nom, dạy dỗ các em từng lời ăn, tiếng nói, cách sống làm người. Em Nguyễn Như Hà, thôn Thái Lao, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội mồ côi cha từ năm 6 tuổi, mẹ đi bước nữa, ở cùng ông nội và là một đứa trẻ hư. Ông nội hết lời khuyên răn nhưng cũng bất lực, nên đành gửi gắm Hà vào đây. Được sự dạy dỗ của bà Vui và các giáo viên, Hà thay tính đổi nết, học hành chăm chỉ, mỗi tháng được nhận 1 triệu đồng tiền lương. “Cô Vui luôn coi em như con cái trong nhà, không khi nào nặng lời. Sau này kể cả khi thành nghề hay có gia đình, em vẫn muốn ở lại cùng cô xây dựng Trung tâm”, Hà tâm sự.
Bà Vui chia sẻ: “Tôi rất trăn trở khi xem ti vi thấy nhiều trẻ em bỏ xứ về thành phố ăn xin. Chúng ta giờ có điều kiện thu gom, quản lí, nuôi dưỡng, dạy nghề cho các cháu hơn trước, mà sao không giải quyết được triệt để? Tôi chăm sóc các cháu từ mấy chục năm nay, trừ vài đứa sau này về với cha mẹ đẻ, số còn lại tôi cưới vợ, gả chồng cho các cháu gần hết. Nhiều đứa đã thành “ông chủ, bà chủ” ở khắp các huyện của Hà Nội và các tỉnh thành lân cận trong cả nước”.
Lời tâm sự chân thành của bà khiến tôi thấy có gì đó như sự phiền trách về công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy nghề cho người khuyết tật, trẻ em lang thang cơ nhỡ mà xã hội ta chưa làm thật tốt…/.
(Theo Ngaymoionline.com.vn)