Dân số nước ta đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Đáng lo hơn, phần lớn người cao tuổi hiện nay không có tích lũy về kinh tế, cuộc sống còn nhiều khó khăn. “Trong câu lạc bộ Liên thế hệ của chúng tôi, 70% hội viên là người nghèo, khó khăn về kinh tế và tình cảm. Có những người, cả cuộc đời họ chưa biết sinh nhật là gì!”, bà Nguyễn Thị Điểm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội nêu dẫn chứng khi đề cập đời sống của người cao tuổi ở địa phương. Bà Điểm cho biết, trong số hơn 1.400 hội viên, nhiều người dù không đến mức nghèo khó nhưng cũng đang phải sống dựa vào con cháu bởi không có lương hưu.
Theo Tiến sỹ Đàm Hữu Đắc, nguyên Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, “bức tranh” tổng thể về đời sống của người cao tuổi trong cả nước cũng có chung gam màu “xám” như thực trạng bà Điểm vừa đề cập. “Đất nước ta có lịch sử hơn 30 năm chiến tranh. Thế hệ chúng tôi sinh ra trong chiến tranh, đến giờ đều ở tuổi 60-70, phải đến 70% không có tích lũy về vật chất”, ông Đắc chia sẻ.
Tiến sỹ Nguyễn Thế Huệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu người cao tuổi Việt Nam cũng cho rằng chiến tranh đã khiến lớp người cao tuổi ở nước ta hiện nay chịu nhiều thiệt thòi, nhất là những người sống ở khu vực nông thôn, miền núi. Những năm qua, Đảng, Nhà nước không ngừng quan tâm đến đối tượng này. Tuy nhiên, các chế độ, chính sách dành hướng đến việc chăm lo đời sống người cao tuổi vẫn chưa theo kịp sự thay đổi của xã hội. “Vì lý do khách quan, đa số người cao tuổi của ta không có sự chuẩn bị ch tuổi già. Trong tay, họ hầu như không có gì. Các cụ ở nông thôn thì đất đai không còn hoặc nếu còn thì cũng không nhiều. Hơn nữa, sức khỏe không đủ để sản xuất”, ông Huệ cho biết.
Số liệu từ của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam còn cho thấy, hiện nước ta có khoảng 6 triệu người cao tuổi không có khoản thu nhập thường xuyên nào. Trong khi đó, đây lại là đối tượng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Theo Tiến sỹ Nguyễn Thế Huệ, thực trạng này vô tình tạo thêm áp lực cho thế hệ nối tiếp. “Chúng ta đều biết, một người già vào viện thì con cháu phải theo vào phục vụ. Chi phí rất tốn kém!”, ông Huệ chia sẻ.
Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 1/3 số người cao tuổi trong cả nước tham gia vào thị trường lao động. Nhiều người trong số đó là vì mục đích mưu sinh, giảm bớt gánh nặng cho con cháu.
Dự báo, trong 10 năm tới, số người cao tuổi ở nước ta sẽ tiếp tục tăng lên, chiếm 17% dân số, đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 tỷ lệ này là 25%. Làm thế nào để chăm lo, cải thiện đời sống cho người cao tuổi trong khi tốc độ già hóa không ngừng diễn ra rõ ràng là vấn đề rất đáng quan tâm.
Nghe bài viết dưới đây: