Trước đây, nếu ai có dịp đi qua tòa nhà 19T2 và 19T3 thuộc tổ dân phố số 21 phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội sẽ thấy rất khó chịu. Dọc con đường phía trước tòa nhà dài khoảng 500m là những núi rác đồ sộ, bốc mùi hôi thối, gây mất mỹ quan đô thị. Hàng ngày, phải đứng nhìn “núi” rác sừng sững chắn trước tòa nhà, bà Nguyễn Thị Sáu - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ 21 đã quyết tâm dọn sạch đống rác, trồng hoa và cây cảnh để người dân có chỗ vui chơi, thể dục.

Năm 2019, khi phường Kiến Hưng trở thành ổ dịch sốt xuất huyết của thành phố, bà Sáu đã xin phép UBND phường cho tổ dân phố được dọn sạch đống rác. Buổi họp tổ dân phố diễn ra chớp nhoáng và được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Chỉ trong một buổi sáng chủ nhật, chị em phụ nữ trong chi hội đã dọn sạch được đống rác giúp người dân có môi trường sạch đẹp.

Dù là công việc có ý nghĩa với cộng đồng thế nhưng khi bắt tay vào làm bà Sáu vẫn bị khá nhiều người phản đối. Nhưng với suy nghĩ “ở đô thị không thể sống chung với rác” bà không ngại va chạm quyết tâm thực hiện bằng được mô hình này. “Khi ra quân cũng bị người ta nói nhiều lắm, có người tiếc vườn rau nên không cho chúng tôi làm, tôi lại phải nhẹ nhàng nói chuyện với họ, nếu không di dời đống rác, người dân sẽ phải sống chung với tình trạng ô nhiễm, ruồi, muỗi và các dịch bệnh, dân dần họ cũng hiểu ra và ủng hộ chúng tôi”- bà Sáu trải lòng.

Sau khi giải tỏa được đống rác, bà Sáu lại đứng ra vận động người dân làm đẹp cho tuyến đường. Không chỉ vậy, bà còn kêu gọi người dân tô màu, vẽ tranh làm đẹp cho các bồn hoa. Đến nay, sau hơn 2 năm xây dựng, được nhiều người chăm sóc cẩn thận con đường hoa dài khoảng 500m với nhiều loại như: phượng, trứng cá, ngũ sắc, mười giờ, hoa hồng, hoa giấy, dừa cạn, chiều tím, đậu biếc…đã lên xanh tốt, đua nhau bung nở những bông hoa rực rỡ, là nơi vui chơi, thể dục thể thao của người dân địa phương. Bà Sáu vẫn thường nói với mọi người rằng “tạo ra việc tốt mà dễ thì ai cũng làm được, nó có khó thì mới đến tay mình làm. Mỗi lần bị mắng hay xúc phạm thì tôi coi đó là bài học, nếu họ mắng không đúng thì mình bớt đi được 1 nghiệp để giúp mình thanh thản. Các cụ có câu: cây tốt thì khó mọc, cỏ dại thì lan nhanh. Càng khó bao nhiêu chúng tôi lại càng quyết tâm làm bấy nhiêu”

Ít ai nghĩ rằng, từ 1 bãi rác khổng lồ tưởng chừng không thể di dời được, thế nhưng, nhờ sự tâm huyết của bà Nguyễn Thị Sáu, nơi đây đã trở thành con đường hoa đủ sắc màu, là điểm dừng chân, vui chơi của người dân trong và ngoài tòa nhà. Và hơn hết, việc làm của bà Sáu đã góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, yêu cây xanh của người dân. Ông Nguyễn Văn Chiến là một trong những người như vậy. Dù đã gần 80 tuổi nhưng ông Chiến vẫn rất yêu thiên nhiên, cây cảnh. Mỗi lần đi đâu hễ thấy có cây gì đẹp ông lại đem về góp vào đường hoa của tổ dân phố. Những cây ông mag về và trồng như: phượng, trứng cá, chiều tím, hồng…đã lên tươi tốt trở thành điểm check in của nhiều cư dân.

Từ khi có con đường hoa xanh, sạch, đẹp, bà Vương Hồng Hiển lại có thói quen, sau mỗi lần tập thể dục buổi sáng về bà thường nán lại để chăm sóc vườn hoa. Từ cắt tỉa, nhổ cỏ, tưới cây…đều được bà làm cẩn thận và coi đó là công việc yêu thích hàng ngày. Con đường hoa rực rỡ nhiều màu sắc và đầy sự lãng mạn đã khiến bà Hiển cảm tác những câu thơ đầy cảm xúc “Yêu hoa xăm sắn trồng hoa/Hương ngào ngạt tỏa bao la đất trời/Hương hoa ngây ngất lòng người/Thêm yêu cuộc sống, nụ cười như hoa”

Sự ra đời của con đường hoa trong khu dân phố khiến không ít người thích thú. Nhiều người bày tỏ lòng biết ơn bà Sáu vì nhờ sự tâm huyết, dám nghĩ, dám làm của bà mà cư dân 2 tòa nhà đã được sống trong không gian xanh, sạch đẹp. Bà Trần Thị Minh Châu cho biết: “Tôi rất tự hào vì tổ dân phố có bà Sáu – một hạt nhân tích cực của tập thể. Bà Sáu có rất nhiều sáng kiến chúng tôi rất khâm phục. Không ai nghĩ từ 1 bãi rác khổng lồ mà nay chỗ này đã thành vườn hoa. Ngày nào tôi cũng đi dạo ở đây, thấy rất vui. Có đường hoa này nhiều bạn trẻ chọn làm nơi chụp ảnh để đăng Face book, thấy nơi mình ở có giá trị hơn”.

Bà Sáu quan niệm: vệ sinh môi trường nếu làm theo kiểu phong trào thì 1 tuần, 1 tháng mới làm một lần, nhưng nếu làm với cái tâm thực sự thì bất kể lúc nào cũng có thể tham gia được. Bà cũng ước rằng, nếu mọi khu phố, khu dân cư, nơi công cộng đều có những vườn hoa và người dân đều tự có ý thức giữ gìn, dọn dẹp vệ sinh chung thì Thủ đô sẽ ngày một xanh, sạch và đẹp hơn./.

Mời nghe bài viết tại đây: