Những ngày qua, dư luận rất bất bình trước sự việc nam sinh lớp 8 trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội bị đánh đến chấn thương sọ não do mâu thuẫn rất nhỏ khi chơi bóng rổ. Câu chuyện sẽ không nghiêm trọng nếu như có sự ngăn cản kịp thời của người lớn. Đây chỉ là 1 trong những vụ việc đã xảy ra thời gian gần đây khi các em đang trong độ tuổi nông nổi, thiếu hiểu biết, chưa biết kiểm soát hành động dễ xảy ra va chạm nhưng không được can thiệp kịp thời.

Trước đó, vào tháng 11 năm 2023 công an phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức, TP. HCM thông báo cơ quan này đã tiếp nhận trình báo của nữ sinh, học sinh lớp 12 trường THPT Sài Gòn, quận Bình Thạnh về việc nữ sinh này bị phụ huynh đánh hội đồng gây thương tích. Theo trình báo, trong quá trình học trên lớp, nữ sinh nói trên đã xảy ra mâu thuẫn với bạn cùng lớp, dẫn đến bị gia đình bạn hành hung. Hay việc một nữ sinh lớp 7 tại xã An Thượng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương ngày 25/3/2024 bị nam thanh niên hành hung, tát nhiều lần vào đầu, mặt. Nữ sinh này từng có xích mích nhỏ với một học sinh lớp 9 cùng trường, người chú của học sinh lớp 9 biết sự việc đã ra tay đánh nữ sinh lớp 7.

Theo chuyên gia tâm lý học, thạc sỹ Vũ Thu Hà, thực tế cho thấy bố mẹ đối xử với con cái, gia đình như thế nào thì con sẽ là tấm gương phản chiếu như vậy. “Trẻ học qua hành vi của bố mẹ, nếu chúng ta có hành vi bạo lực với con hay với người khác thì việc con cái chúng ta sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn không có gì lạ….”

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng môi trường giáo dục đóng vai trò quan trọng dẫn tới việc hình thành và phát triển hành vi bạo lực ở học sinh. Theo ông Thìn, các em ở lứa tuổi vị thành niên chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng sống và cách giải quyết mâu thuẫn, vậy nên có thể dễ dàng bị lôi kéo vào các tình huống xung đột và lựa chọn cách giải quyết vấn đề bằng bạo lực. Đặc biệt, sự ảnh hưởng từ môi trường xung quanh và tâm lý hùa theo đám đông “ăn hiếp” kẻ yếu có thể kích thích tính hiếu thắng, muốn chứng tỏ bản thân của các em. Chính vì vậy, cha mẹ phải có sự can thiệp kịp thời nếu phát hiện con bị bạo lực hoặc có khả năng bạo lực.

Pháp luật quy định: Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Người chưa đủ 18 tuổi thì người giám hộ phải chịu trách nhiệm về hành vi do con mình gây ra trong mức độ nhất định. Chính vì vậy khi trẻ em mâu thuẫn với nhau, thậm chí là đánh người hoặc bị đánh, cha mẹ, phụ huynh phải tìm hiểu nguyên nhân sự việc. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết: Phụ huynh là những người trưởng thành nên pháp luật bắt buộc họ phải biết đúng – sai. Pháp luật quy định không thể lấy một hành vi vi phạm pháp luật này để đáp trả lại hành vi vi phạm, không được hành hung người đã có hành vi bạo lực với con em mình mà phải yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết. “Nếu phụ huynh xúi giục hoặc giúp sức con đánh bạn, tùy vào mức độ của hành vi gây ra có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự” – Luật sư Cường cho biết.

Ở độ tuổi vị thành niên, các em chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về hành vi của mình. Việc ngăn chặn bạo lực phải bắt đầu từ gia đình, bởi cha mẹ là người thấu hiểu tâm, sinh lý của con cái nên sẽ có biện pháp nhắc nhở, dạy dỗ và răn đe để con em không bị nhiễm thói hư tật xấu. Cùng với đó còn là sự dạy dỗ, rèn giũa từ các thầy cô, những người quản lý giáo dục. Các ban, ngành, đoàn thể cũng cần có những biện pháp quan tâm đến lứa tuổi này nhiều hơn để các em trở thành người có ích cho xã hội.

Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với Phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Cảnh Thìn - Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội tại đây: