Hiện nay chưa có định nghĩa rõ ràng về quấy rối tình dục (QRTD), tuy nhiên, có thể hiểu tổng quát về QRTD là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào mà chưa được sự chấp thuận, gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới; thể hiện qua lời nói, hình ảnh, cử chỉ; có thể xảy ra bất cứ đâu như nơi công cộng, nơi làm việc hoặc thậm chí là trên các phương tiện xã hội.
Riêng đối với hành vi QRTD nơi làm việc thì đã có quy định tại Khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 và Khoản 1 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ – CP. Đó là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Các dạng hành vi QRTD có thể kể ra như hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; sử dụng lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục; sử dụng phi lời nói bao gồm sử dụng ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục một cách trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho rằng khi bị QRTD tại nơi làm việc, nạn nhân cần ứng xử khéo léo, khôn ngoan, kịp thời: "Ba nguyên tắc cần phải nhớ là nói không, bỏ đi và thông báo. Trường hợp người quấy rối cùng cấp hoặc cấp dưới thì khiếu nại lên cấp trên về hành vi của đồng nghiệp, xin chuyển sang nơi khác cũng là một giải pháp. Cấp trên không giải quyết thì báo cơ quan chức năng. Nếu cấp trên là người quấy rối thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Chúng ta có nhiều cách lựa chọn để đảm bảo tốt nhất cho chúng ta không bị quấy rối nhưng vẫn có cơ hội làm việc."
"Tùy theo tính chất, mức độ, hành vi, người QRTD sẽ bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự. Xử phạt hành chính bị phạt tiền từ 2-8 triệu đồng và buộc phải công khai xin lỗi, trừ trường hợp nạn nhân không có đơn yêu cầu… Trong lĩnh vực lao động, hành vi QRTD có thể bị phạt tiền đến 30 triệu đồng theo Nghị định 12/2022 của Chính phủ. Căn cứ Khoản 2 Điều 125 BLLĐ 2019, người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải khi nội quy lao động của nơi làm việc có quy định này. " - Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm.
Về trách nhiệm hình sự, nếu có căn cứ chứng minh rằng hành vi QRTD đã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155. Và mức xử phạt cao nhất là 5 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu người có hành vi quấy rối tình dục là công chức, viên chức thì tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi thì ngoài mức xử phạt vi phạm hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có, theo quy định tại Nghị định 112/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức: người có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng như: khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; cách chức; giáng chức; buộc thôi việc.
Đối với những người đang là đảng viên sẽ bị xử lý khiển trách, thậm chí khai trừ khỏi Đảng nếu gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 33, Quy định 102-QĐ/TƯ ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, hình thức kỷ luật đối với đảng viên vi phạm về đạo đức, nếp sống văn minh.
Mời quý vị và các bạn cùng nghe toàn bộ cuộc trao đổi của phóng viên chương trình Cầm tay chỉ luật với luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội: