Cuộc trao đổi giữa phóng viên chương trình với Luật sư Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Công ty Luật ALadin sẽ giúp các bạn có thêm hiểu biết về vấn đề này:

PV: Thưa Luật sư, khi tiến hành xây dựng các công trình dù nhỏ hay lớn thì việc ảnh hưởng đến các công trình xung quanh là điều khó tránh khỏi. Vậy khi có thiệt hại xảy ra thì căn cứ phát sinh bồi thường trong lĩnh vực xây dựng được quy định ra sao?

Luật sư Nguyễn Văn Bình: Đúng là có nhiều trường hợp trong quá trình tiến hành thi công các công trình xây dựng không may gây ảnh hưởng đến tài sản của những chủ thể khác, thậm chí có nhiều trường hợp ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của con người. Khi phát sinh những thiệt hại này thì các chủ thể có liên quan sẽ bàn luận đến một vấn đề đó là việc bồi thường thiệt hại cho những tổn thất đã xảy ra. Về bản chất pháp lý, đây là quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Pháp luật hiện hành đã có các quy định về những vấn đề có liên quan đến bồi thường thiệt hại như căn cứ phát sinh, chủ thể có trách nhiệm bồi thường hoặc cách xác định thiệt hại…

Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 dành hẳn Chương XX quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trong đó Điều 584 xác định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Tuy nhiên, xét đến các yếu tố cấu thành căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại thì được hướng dẫn chi tiết tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn một số quy định của bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó các yếu tố xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm:

Thứ nhất, phải có thiệt hại xảy ra.

Thứ hai là phải có hành vi trái pháp luật.

Thứ ba là phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật.

Và cuối cùng là phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

PV: Thực tế có nhiều trường hợp: công nhân xây dựng là người trực tiếp làm hư hỏng của nhà bên cạnh, sau đó thì cả người làm công lẫn chủ nhà đang xây dựng đều đổ lỗi cho nhau và không ai chịu bồi thường cho nhà hàng xóm? Vậy Luật sư cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Văn Bình: Việc xác định chủ thể bồi thường trong lĩnh vực xây dựng là một vấn đề phức tạp. Bởi lẽ trước hết xuất phát từ tính chất của quan hệ pháp luật trong lĩnh vực xây dựng cũng khá phức tạp, có nhiều chủ thể tham gia với nhiều vai trò khác nhau như chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công, giám sát,… Quay trở lại tình huống, chúng ta thấy ở đây xuất hiện hai chủ thể đó là chủ sở hữu và nhà thầu thi công xây dựng, trong đó công nhân của đơn vị thi công là người trực tiếp làm hư hỏng tài sản.

Về trách nhiệm của đơn vị thi công, điểm b, khoản 2 Điều Điều 113 Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi bổ sung năm 2020) quy định nhà thầu thi công xây dựng có nghĩa vụ “Lập và trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp thi công, trong đó quy định cụ thể biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường”.

Về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của nhà thầu thi công, điểm k Khoản 2 Điều 113 Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi bổ sung năm 2020) quy định như sau: “Nhà thầu thi công xây dựng có nghĩa vụ Bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng, sử dụng vật liệu không đúng chủng loại, không bảo đảm yêu cầu theo thiết kế được duyệt, thi công không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm môi trường và hành vi vi phạm khác do mình gây ra”.

Điều 600 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định: “Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, nếu trong quá trình thi công mà nhà thầu thi công xây dựng là chủ thể trực tiếp làm hư hỏng và gây thiệt hại cho nhà bên cạnh, nhà thầu thi công xây dựng đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của mình.

PV: Thưa Luật sư, thực tế trong quá trình xây dựng những công trình công cộng như cải tạo đường chẳng hạn, do phải sử dụng xe lu rung để làm nền đường, nhưng do lực rung quá cao nên đã ảnh hưởng đến nhà dân ven đường. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước những sự cố này?

Luật sư Nguyễn Văn Bình: Vâng có thể thấy đây là một tình huống hết sức phổ biến trên thực tế, rất nhiều trường hợp khi thi công xây dựng hoặc cải tạo công trình đường giao thông vì một nguyên nhân nào đó đã gây ảnh hưởng, thiệt hại đến các công trình của người dân ven đường. Về nghĩa vụ, trách nhiệm phải đảm bảo an toàn cho con người và tài sản trong quá trình thi công, Khoản 3 Điều 115 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định như sau:

“Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình; tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp bảo đảm an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình; rà soát biện pháp bảo đảm an toàn định kỳ, đột xuất để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế thi công trên công trường”.

Như vậy, với quy định nêu trên, nhà thầu thi công là chủ thể chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng. Đối chiếu với tình huống được đặt ra, ta có thể thấy, đơn vị thi công cải tạo đường giao thông khi tiến hành việc sử dụng xe lu để làm nền đường có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho con người, công trình xây dựng của các hộ dân ven đường. Nếu để xảy ra thiệt hại do vi phạm đảm bảo an toàn thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Thêm vào đó, ta cũng cần xem xét đến vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc giám sát, đảm bảo an toàn trong quá trình nhà thầu thi công công trình. Từ đó xác định chính xác trách nhiệm của từng bên đối với thiệt hại gây ra cho công trình xây dựng của nhà dân ven đường.

PV: Thưa Luật sư, trường hợp nhà hàng xóm xây dựng nhưng không có sự cố ảnh hưởng ngay lập tức mà trong quá trình kết cấu nền đất bị thay đổi, một vài tháng sau mới có sự cố lún nứt với nhà bên cạnh thì việc này giải quyết như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Bình: Về vấn đề này, chúng ta cần xác định rõ chủ thể gây ra sự cố dẫn đến việc ảnh hưởng tới các công trình, nhà cửa xung quanh, để từ đó làm căn cứ trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo đó, trường hợp có sự cố xảy ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi bổ sung năm 2020) quy định khá chi tiết, cụ thể tại Khoản 4 Điều 119 như sau:

“Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố công trình có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chịu chi phí có liên quan, bị xử lý vi phạm hành chính; cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Thêm vào đó thì Điều 605 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Ở quy định này, ta cũng cần lưu ý, khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

Cũng phải nói rằng, Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến vấn đề này không quy định về việc thời hạn chịu trách nhiệm bồi thường hay nói cách khác là không quy định mốc thời hạn theo kiểu nếu còn thời hạn thì phải bồi thường mà hết thời hạn thì không phải bồi thường.

Do vậy, với tình huống nêu trên, dù không gây thiệt hại ngay tại thời điểm thi công công trình nhưng nếu xác định được đầy đủ các yếu tố cấu thành bồi thường thiệt hại như tôi đã nêu trên thì chủ sở hữu hoặc nhà thầu thi công công trình xây dựng gây thiệt hại vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

PV: Thưa Luật sư, thủ tục khởi kiện đòi bồi thường do nhà bị hư hại từ công trình xây dựng bên cạnh cần những gì?

Luật sư Nguyễn Văn Bình: Về trình tự thủ tục liên quan đến việc khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, có thể khái quát thủ tục khởi kiện gồm các bước cơ bản như sau:

Ở bước đầu tiên, cần lưu ý về hồ sơ khởi kiện, cụ thể

- Cá nhân, tổ chức khởi kiện chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu khởi kiện theo quy định. Tùy từng vụ việc cụ thể sẽ có những tài liệu hồ sơ riêng nhưng về cơ bản sẽ có các tài liệu sau đây:

Thứ nhất là Đơn khởi kiện theo mẫu quy định.

Thứ hai là Giấy tờ pháp lý, giấy tờ nhân thân của bên khởi kiện và bên bị khởi kiện.

Thứ ba là các tài liệu chứng minh cho hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.

Cuối cùng là các tài liệu khác có liên quan.

Sau khi chuẩn bị Hồ sơ, ở Bước 2, người khởi kiện nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện (Căn cứ theo khoản 6, Điều 26 và điểm a, khoản 1, Điều 35 Bộ luật TTDS).

Về thẩm quyền theo lãnh thổ, thì Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc theo thỏa thuận của đương sự là tòa án có thẩm quyền giải quyết. (Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).

Sang đến Bước 3, Tòa án xem xét thụ lý và giải quyết vụ án, cụ thể:

Sau khi nộp đơn, Tòa án sẽ tiến hành xem xét hồ sơ khởi kiện, trường hợp thiếu hoặc có sai sót Tòa án sẽ yêu cầu người khởi kiện sửa đổi bổ sung. Trường hợp hồ sơ khởi kiện đã hợp lệ, Tòa án sẽ tiến hành thụ lý giải quyết vụ việc.

Thời hạn giải quyết là 04 tháng kể từ ngày thụ lý, trường hợp phức tạp có thể được gia hạn thời hạn nhưng không quá 02 tháng (Căn cứ theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự).

Bước 4, cũng là bước cuối cùng, lưu ý trường hợp đương sự không đồng ý với nội dung của Bản án/Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm thì có thể thực hiện thủ tục kháng cáo lên Tòa án cấp phúc thẩm để đề nghị giải quyết.

PV: Xin cảm ơn Luật sư Nguyễn Văn Bình – Giám đốc Công ty Luật Aladin đã dành thời gian tư vấn cho quý vị thính giả.