Trung bình, mỗi ngày anh NVT ở Mỹ Đình, Hà Nội nhận được cả chục cuộc điện thoại với nhiều nội dung chào mời, quảng cáo thậm chí một số đối tượng đã giả mạo xưng danh các cơ quan chức năng như: Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng, Nhà mạng viễn thông … với mục đích hù dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Anh cũng đã dùng các biện pháp chặn số điện thoại, báo cáo gửi về tổng đài…. nhưng vẫn không hạn chế được các cuộc gọi làm phiền. “Mỗi lần cứ thấy nói alo, tôi là nhân viên công ty… rồi chào mời các kiểu nhưng chẳng biết làm thế nào để chấm dứt tình trạng này” - anh T. bức xúc.

Tình cảnh anh T gặp phải thời gian qua khá phổ biến với mục đích thu thập thông tin nhằm hù dọa, lừa đảo để từ đó chiếm đoạt tài sản, trong đó có nhiều trường hợp đã mất cả tỷ đồng, cũng có những đối tượng bị cơ quan liên ngành như ngân hàng, công an phát hiện và kịp thời ngăn chặn. Đáng nói dù đã liên tục được cảnh báo, tuy nhiên hiện tượng này đang có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Bộ Thông tin và Truyền thông và doanh nghiệp viễn thông đã triển khai nhiều biện pháp như: Chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, thu hồi những SIM không chính chủ, thanh tra trên diện rộng những đại lý bán SIM đã khích hoạt,… tuy nhiên những giải pháp này chưa thể ngăn chặn triệt để tin nhắn rác hay cuộc gọi rác. Các thủ đọa là đảo vẫn diễn ra ngày càng tinh vi, xảo quyệt, khó nhận dạng khiến tỷ lệ phạm tội trên không gian mạng ngày càng gia tăng.

Luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty Luật TNHH Bảo Ngọc - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Pháp luật cũng đã có hành phạt khá nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quy định trên không gian mạng. Điều 7, khoản 5 Luật an toàn thông tin mạng quy định: Hành vi thu thập, sử dụng phát tán kinh doanh trái phép thông tin cá nhân, người khác cũng sẽ bị xử phạt. Điều 159 Bộ luật hình sự cũng quy định: Hành vi xâm phạm bí mật an toàn thư tín hoặc thông tin riêng tư của người khác thì có thể bị phạt tù 3 năm và có những quy định về đưa thông tin trái phép trên mạng cao nhất có thể phạt tù lên tới 7 năm. Tuy nhiên, kẻ lừa đảo vẫn tiếp tục tái diễn hành vi.

Để phòng chống hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh, Bộ TT&TT đã chỉ đạo triển khai cấp tên định danh (Voice brandname) cho các số điện thoại là các số đường dây nóng của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT… Giải pháp này cũng sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo. Kể từ ngày 27/10/2023, tất cả các số điện thoại gọi đến người dân của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT là Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện sẽ có hiển thị tên định danh “BO TTTT”. Cũng từ ngày 27/10/2023, các số điện thoại của doanh nghiệp viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ cũng đều hiển thị tên định danh. Chẳng hạn như VNPT, VinaPhone (nhà mạng Vinaphone), VIETTELCSKH (nhà mạng Viettel); FPT SHOP (nhà mạng FPT), LOCAL (nhà mạng ASIM)… Các số điện thoại gọi đến người dân mà xưng danh là đơn vị thuộc Bộ TT&TT gồm Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Tần số Vô tuyến điện; xưng danh là doanh nghiệp viễn thông (Vinaphone, Viettel, FPT..), nhưng không hiển thị tên định danh kèm theo đều là các số điện thoại giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo.

Luật sư Phạm Thanh Bình nhìn nhận đây là giải pháp hay, hạn chế được tình trạng làm phiền khách hàng. Tuy nhiên, với tình trạng “thiên biến vạn hóa” của kẻ lừa đảo trên không gian mạng, nếu chỉ có những cơ quan dịch vụ được định danh thì không thể chấm dứt được các cuộc gọi rác, cuộc gọi có mục đích lừa đảo mà các cơ quan công quyền như: Công an, Cảnh sát điều tra, Kiểm sát, Tòa án… – những đơn vị bị rất nhiều kẻ mạo danh lợi dụng cũng cần phải được cấp định danh.

Trước khi có các giải pháp triệt để, người dân hãy tự bảo vệ mình, không tin vào những thông tin chưa được được kiểm chứng. Đặc biệt thời gian qua, lợi dụng lực lượng công an đang vận động người dân nâng cấp tài khoản định danh điện tử mức 2, một số đối tượng xấu có ý đồ bất chính đã gọi cho người dân để cài đặt “app lạ” trên điện thoại nhằm khai thác thông tin cá nhân, người dân không nên tin vào điều này, hãy đến trụ sở của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú để làm định danh điện tử, tránh tình trạng thông tin bị lọt, lộ rồi dẫn đến những hệ lụy về sau.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với luật sư Phạm Thanh Bình - Công ty luật Bảo Ngọc tại đây: