Theo quy định tại các Điều 609, Điều 610 và Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình”; “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.”. Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật Thiện Duyên, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, pháp luật hiện hành không có quy định nào cấm phạm nhân, tức là những người đang chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ phạm nhân không được lập di chúc. Đồng thời, tại điểm e Khoản 1 Điều 27 Luật thi hành án hình sự năm 2019 cũng quy định phạm nhân có quyền: “Được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, người đang chấp hành án phạt tù mà đáp ứng được các điều kiện tại Điều 609, 610 và 625 Bộ luật Dân sự thì vẫn có quyền được lập di chúc theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo luật sư Hùng, để đảm bảo giá trị pháp lý của di chúc, người đang chấp hành án phạt tù cần lập di chúc bằng văn bản và có xác nhận của người phụ trách cơ sở đang giam giữ mình. Khi đó di chúc này sẽ có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực.

Mời quý vị nghe nội dung tư vấn của luật sư Nguyễn Đức Hùng về các điểm cần lưu ý khi lập di chúc với người đang chấp hành án phạt tù tại đây: