Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có hiệu lực từ 01/07/2013, sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính. Đến nay đã có hơn 100 văn bản hướng dẫn thi hành. Trong cuộc sống thường ngày, vi phạm hành chính chúng ta hay gặp nhất vẫn là trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tuy nhiên, cùng một lỗi vi phạm nhưng có thể mức phạt của từng người vi phạm lại có thể khác nhau do có các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hành chính.
Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hành chính được quy định ở điều 9, điều 10 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng. Khi xác minh các tình tiết của vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Tình tiết giảm nhẹ là một trong những căn cứ để áp dụng biện pháp xử phạt cảnh cáo.
Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng là một trong những căn cứ quan trọng trong việc áp dụng biện pháp xử phạt tiền: Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
Mời quý vị nghe luật sư Nguyễn Thị Phương Anh thông tin các quy định liên quan về vấn đề này tại đây: