Thời gian qua, những vụ tai nạn giao thông do người lái xe trong tình trạng say xỉn diễn ra ngày một nhiều. Pháp luật đã có nhiều chế tài để xử lý những hành vi vi phạm này nhưng những vụ việc vi phạm vẫn cứ liên tiếp xảy ra:
Ngày 22/5, trên Quốc lộ 57B thuộc ấp Phú Mỹ, xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã xảy ra vụ tai nạn giữa 2 xe máy khiến 3 người tử vong tại chỗ, 1 người bị thương nặng. Kết quả ban đầu xác định là 1 người lái xe máy đã vi phạm nồng độ cồn ở mức 160 mg/100ml máu
Ngày 29/5, tại xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. 2 nam thanh niên lái xe máy đã đâm vào một gốc dừa. Hậu quả là người ngồi sau tử vong tại chỗ, người cầm lái tử vong trên đường đi cấp cứu. Nguyên nhân được xác định do lái xe đã uống rượu bia.
Khoảng 23h30 ngày 02/6, Nguyễn Đức Thịnh 35 tuổi lái xe Audi qua ngã tư Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ, phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang tông trúng xe máy do anh Nguyễn Văn Hưng, 48 tuổi điều khiển, chở theo vợ và con gái. Cú tông khiến xe máy bị hất tung lên cao, ba người trên xe văng xuống vỉa hè, tử vong tại chỗ. Kết quả kiểm tra cho thấy, nồng độ cồn trong hơi thở tài xế là 0,604 mg/lít cao gấp 1,5 lần mức xử lý vi phạm tối đa theo Nghị định 100
Đối với hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả, thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra để xác định người vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hay phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp vi phạm ít nghiêm trọng thì bị xử lý vi phạm hành chính, khi đó, tùy vào hành vi vi phạm mà sẽ phải chịu mức xử phạt tương ứng theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 21/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Nếu hành vi vi phạm mà gây hậu quả nghiêm trọng đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ tùy vào hậu quả và hành vi mà sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm dẫn đến gây thiệt hại về vật chất, sức khỏe, tính mạng của người khác thì ngoài việc phải chịu trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự thì còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.
Hành vi lái xe ô tô tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia là một trong các hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Cũng như những hành vi vi phạm khác, việc bị xử lý hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự phải căn cứ vào hậu quả do hành vi đó gây ra. Theo Luật sư Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Công ty Luật ALadin thì:
Nếu hành vi vi phạm không gây ra hậu quả hoặc hậu quả xảy ra không đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự thì người điều khiển xe sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này là từ 6.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, tùy thuộc vào nồng đồ cồn trong máu hoặc hơi thở của người tham gia giao thông; ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 03 đến 24 tháng.
Về hành vi phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong tình trạng có sử dụng rượu, bia thuộc tình tiết định khung tăn nặng quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự nên nếu hậu quả xảy ra đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 260 thì người điều khiển xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo Khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù hoặc nếu hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản này với khung hình phạt từ 07 đến 15 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.
Mời các bạn nghe toàn bộ cuộc trao đổi của phóng viên chương trình Cầm tay chỉ luật với luật sư Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Công ty Luật ALadin về nội dung này dưới đây: