Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể là người thân như vợ/chồng, con, bố mẹ hay người sở hữu chung tài sản với người mất tích.
Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, thời điểm 2 năm được tính như sau: Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Sau khi một người được tuyên bố là mất tích, nếu họ còn sống trở về hoặc có tin tức xác thực về việc họ vẫn còn sống thì họ hoặc những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải làm đơn gửi tòa án để tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó.
Nếu một người được tuyên bố là đã chết, quan hệ hôn nhân của người đó với vợ/chồng đương nhiên chấm dứt, vợ/chồng của người được tuyên bố là đã chết có thể được kết hôn với người khác. Nhưng trong trường hợp một người được tuyên bố là mất tích thì vợ/chồng của họ có được kết hôn với người khác hay không? Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh thông tin các quy định cụ thể của pháp luật liên quan tới hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người là mất tích.