Theo thống kê, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng tháng 4 và tháng 5, bệnh viện ghi nhận có 776 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đến khám, tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó. Trong đó, riêng tháng 5 đã có hơn 140 trẻ phải nhập viện điều trị, đặc biệt nhiều trường hợp đến trong tình trạng bệnh đã chuyển nặng.
Trường hợp của bé Khánh Vy, 2 tuổi ở Hà Nội là một ví dụ. Theo chị Lê Thị Hạnh trước khi nhập viện 5 ngày bé Vy chỉ xuất hiện một vài chấm đỏ ở chân, tưởng con bị muỗi đốt nên chị không để ý. Sau một ngày các nốt ban nổi nhiều hơn, đi kèm phỏng nước, chị mới đưa con đi khám thì được chẩn đoán con mắc tay chân miệng, cần nhập viện điều trị. Tuy nhiên, chị Hạnh cho rằng bệnh có thể tự điều trị tại nhà nên đã đưa con về.
"Chỉ đến chiều hôm đó thôi là con sốt cao liên tục, uống hạ sốt không hạ, con nằm ngủ mà tay chân cứ run. Mình nghĩ cho con tắm rửa sạch sẽ xong đưa vào viện khám lại xem như thế nào thì đến khi tắm xong thấy con nó yếu mệt. Sợ quá mới tức tốc đưa đi viện." Chị Hạnh chia sẻ.
Theo Ths. BS Đỗ Thị Thúy Nga - Khoa Nội, Trung tâm Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, rất may bé Vy được cấp cứu kịp thời nên chưa bị biến chứng thần kinh. Sau 2 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của bé đã dần bình phục.
Trường hợp của cháu Gia Huy 17 tháng tuổi ở Nam Định bệnh tay chân miệng có diến tiến khá nhanh. Chỉ sau 2 ngày xuất hiện các nốt ban trên tay mức độ bệnh đã chuyển sang giai đoạn 2B, phải chuyển từ Bệnh viện Sản nhi Nam Định xuống Bệnh viện Nhi TƯ để điều trị.
Theo các chuyên gia, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, đặc biệt giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển. Trẻ mắc tay chân miệng thường có các biểu hiện như: Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Tuy nhiên, có một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý, rất khó phát hiện.
Theo BS Đỗ Thị Thúy Nga, đa phần trẻ mắc bệnh có diễn biến nhẹ, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.
“Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến điều trị kịp thời, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm”, BS Thúy Nga lưu ý.
Cũng theo BS Đỗ Thị Thúy Nga đã có nhiều trường hợp trẻ biến chứng nặng do gia đình không biết nên đã bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo đáng tiếc. Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng dưới đây, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên chủ quan tự theo dõi ở nhà, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Ba dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng diễn biến nặng
-Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.
-Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không. Khuyến cáo giật mình trên 2 lần trong 30 phút thì cần đưa đến ngay cơ sở y tế.
-Run tay chân: Có thể trẻ vẫn tỉnh táo, ngồi chơi bình thường nhưng cầm đồ vật sẽ run tay chân, hay trẻ đi liêu xiêu không vững thì đây cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh đang chuyển sang giai đoạn nặng hơn.
Theo BS Đỗ Thị Thúy Nga, hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh. Mỗi lần trẻ nhiễm bệnh chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định, trẻ có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus. Do đó, chú trọng phòng bệnh là biện pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ và gia đình.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; dùng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Bác sĩ khuyến cáo thêm, các gia đình khi có con mắc tay chân miệng cần báo ngay cho trường học, nhà trẻ hoặc cơ quan y tế gần nhất để có phương án vệ sinh các bề mặt, dụng cụ mà trẻ đã từng tiếp xúc, đồng thời theo dõi sức khoẻ của các bé đã tiếp xúc với trẻ mắc bệnh. Đây cũng là 1 biện pháp cần thiết để phòng bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng.