Lương Thị Minh Thư gây chú ý vì tiếng khóc to, vang khắp hành lang của Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện E. Minh Thư khóc vì đói, em phải nhịn ăn từ đêm hôm qua để chuẩn bị cho ca phẫu thuật dị tật khe hở môi, vòm miệng.

Ở tuần thai thứ 34, mẹ mới hay tin em bị dị tật. “Trời cho con làm người thì sẽ có cách” – là suy nghĩ của mẹ em. Khi được hỏi về việc ăn uống ở giai đoạn đầu, mẹ Thư cứ lặp đi lặp lại câu “thương con lắm”.

"Giai đoạn đầu khổ lắm, khóc vì không bú được, khóc ngày khóc đêm, 2 vợ chồng phải thức chăm con từ tháng đầu đến hơn 3 tháng mới bú được, gầy đi so với đứa khác…" - mẹ Thư kể lại.

Cùng với Thư, dịp này các bác sỹ, chuyên gia của Bệnh viện E và Tổ chức Operation Smile còn điều trị cho 60 trường hợp nữa. Thào Thị Nga 8 tuổi là một trong số đó. Em là người H’Mông, sống tại Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Nga đã được phẫu thuật 3 lần nhưng khe hở vòm miệng vẫn rất rộng. Hôm hay tin có chương trình điều trị miễn phí, Thào A Phình chú của Nga đã đèo em và ông nội bằng xe máy, đi từ nhà xuống để tham gia chương trình phẫu thuật tại Bệnh viện E, với mong muốn điều trị nốt phần vòm miệng cho em.

"Cháu đã xuống Hà Nội 3-4 lần nhưng không đủ điều kiện sức khỏe, đến lần này mới đủ cân nặng là 13kg nên em đèo cháu đi xe máy xuống bệnh viện để các bác sĩ khám" - Thào A Phình cho biết.

Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ của Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt và Khoa Gây mê hồi sức tích cực lên kế hoạch phẫu thuật cho bé bằng cách tạo hình đóng lỗ thông mũi miệng bằng vạt rãnh mũi má. Thào A Phình - chú của Nga cho biết, cả gia đình xác định theo em trên hành trình phẫu thuật, chỉnh hàm, ngữ âm…

Sứt môi, hở vòm là dị tật bẩm sinh ở vùng hàm mặt, thường gặp ở trẻ em. Tỉ lệ mắc bệnh cao ở các nước châu Á, thường ở mức 1/2000 – 1/1000, còn ở nước ta, con số này là 1/700, nghĩa là cứ 700 trẻ chào đời thì có 1 em mắc dị tật này. Nguyên nhân của bệnh hiện vẫn chưa được xác định, nhưng có sự góp phần của yếu tố di truyền, một phần khác do mẹ sử dụng thuốc điều trị các bệnh lý mắc phải khi mang thai. BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E cho biết: "Dị tật như sứt môi hở hàm ếch, u sắc tố, u máu vẫn có 1 tỷ lệ nhất định trong cộng đồng. Số lượng mổ hàng năm không hề ít đi và có cháu mổ 1 lần thì thành công nhưng có những cháu phải mổ nhiều lần với những ca bệnh khó".

Trẻ bị dị tật sẽ khiến tật cấu trúc giải phẫu thay đổi, gây ra những rối loạn chức năng về ăn uống, hô hấp, phát âm, và tác động xấu đến tâm lý của bệnh nhân, thân nhân. Sự chung tay của các tổ chức thiện nguyện đã giúp hầu hết trẻ bị dị tật nêu trên được phẫu thuật miễn phí ở giai đoạn đầu đời. Ngoài ý nghĩa về mặt cộng đồng, một điều quan trọng nữa thu nhận được từ các chương trình này đó là việc chuyển giao và học hỏi những kỹ thuật khó trong phẫu thuật dị tật vùng mặt.

"Ngoài việc tổ chức được những đợt phẫu thuật cho trẻ vùng sâu vùng xa - nơi không có nhiều điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế cao thì về phía cán bộ y tế, đây là dịp để chúng tôi cọ sát nhiều hơn với những dị tật hiếm, từ đó phát triển tốt hơn về mặt nghiên cứu khoa học, bệnh học", BS Minh chia sẻ.

Sau phẫu thuật đóng khe hở môi; đóng khe hở vòm miệng, trẻ sẽ tiếp tục được tiến hành khép xương khe hở cung hàm; chỉnh nha; Sửa sẹo môi mũi; Phẫu thuật chỉnh hình xương hàm, mặt... mang lại sự tự tin cho các bé./