Sáng nay (10/4), Bộ Y tế tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá các hoạt động chuyển đổi số năm 2023 và kế hoạch hoạt động năm 2024. Hội nghị được kết nối với 1.200 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thực hiện đề án 06 của Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030", thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi số toàn diện, bao gồm phát triển các nền tảng số y tế như: ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh, giám định BHYT, kê đơn thuốc điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế và phần mềm quản lý tiêm chủng, dược phẩm.v.v...

Có thể nói, việc thực hiện chuyển đổi số đã giúp cho công tác quản trị, điều hành của ngành Y trong thời gian qua có nhiều thay đổi. Đặc biệt giúp giảm chi phí khám chữa bệnh, chi phí quản lý hồ sơ, xét nghiệm, điều trị, thông qua các bệnh án điện tử, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh một cách thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định, những việc đã làm được còn rất hạn chế so với yêu cầu của thực tiễn.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu những tồn tại trong lộ trình thực hiện chuyển đổi số như cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý. Hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu y tế, các nền tảng y tế số còn rời rạc, chưa liên thông; an toàn thông tin, an ninh mạng chưa đồng bộ, nhiều hệ thống thông tin đã triển khai chưa đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Bên cạnh đó, một số định hướng lớn về ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực của ngành y tế còn chậm triển khai do thiếu hụt nguồn lực.

Bộ trưởng đề nghị các cơ sở y tế cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, tồn tại này để cuối năm 2024 Bộ Y tế sẽ triển khai đồng bộ chuyển đổi số trong ngành.