Theo BS Nguyễn Anh Quân – Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, thời tiết lạnh làm tăng tiết các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Chính vì thế vào mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch.
Với người cao tuổi, huyết áp thường không quá 140/90 mmHg. Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên, ngoài ra mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm rửa... Nếu huyết áp tối đa quá 180 mmHg là điều rất đáng lo ngại, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong. Đặc biệt những người bị bệnh đái tháo đường nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm.
Đối với bệnh nhân có bệnh mạch vành, khi trời lạnh nhu cầu ôxy cho cơ tim tăng hơn vì thế cũng có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp. Đặc biệt, thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.
Bên cạnh đó, thời tiết giá lạnh cũng làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường hô hấp và làm cho tình trạng bệnh tim nặng lên. Do vậy người bệnh tim mạch cần đến các cơ sở y tế sớm khi có các dấu hiệu nhiễm trùng ví dụ như cảm cúm thông thường.
Đo huyết áp tại nhà đúng cách
Đôi với các bệnh nhân tim mạch, việc kiểm soát huyết áp ổn định là yếu tốt tiên quyết phòng tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Vào mùa lạnh như hiện nay, BS Quân khuyến cáo người bệnh nên thực hiện theo dõi huyết áp tại nhà như sau:
-Dùng máy đo huyết áp tự động tại nhà, loại băng đo ở cánh tay chứ không dùng loại mắc ở cổ tay.
-Thời điểm đo huyết áp: Buổi sáng mới ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
-Nên có sổ ghi theo dõi huyết áp hàng ngày để đánh giá tốt nhất sự biến động của huyết áp. Lưu ý nên ghi đủ 3 thông số trên máy đo huyết áp.
-Khi có dấu hiệu bất thường, ví dụ huyết áp thường xuyên từ 140/90 mmHg trở lên hoặc thấp hơn 120/70 mmHg thì cần đến cơ sở y tế để được tham khám kịp thời.
Cách bảo vệ tim trong thời tiết giá lạnh?
Mặc đủ ấm để ngăn ngừa hạ thân nhiệt: Mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài bằng áo ấm, đi tất dày. Mặc đủ ấm giúp cơ thể tránh mất nhiệt trong thời tiết lạnh. Đặc biệt ở người lớn tuổi càng cần được mặc đủ ấm hơn, do khối cơ giảm theo tuổi có nghĩa là tấm áo che phủ cơ thể bị mỏng đi và giảm chức năng bảo vệ những cơ quan quan trọng của cơ thể, dễ hạ thân nhiệt trong thời tiết lạnh.
Che kín vùng đầu và cổ: Sử dụng khăn quàng cổ, mũ len khi đi ra ngoài trời lạnh, tránh không khí lạnh tiếp xúc những vùng nhạy cảm như da đầu, mặt, cổ gây co mạch ảnh hưởng bất lợi cho hoạt động hệ tim mạch. Có thể dùng khẩu trang, khăn len che mũi miệng khi ra ngoài trời lạnh để tránh hít thở trực tiếp không khí lạnh dễ bị bệnh hô hấp, nhiễm virus, hạ thân nhiệt... Các bệnh cơ thể, đặc biệt bệnh hô hấp gây khó thở là yếu tố làm dễ tái phát bệnh tim mạch có sẵn.
Hạn chế làm việc nặng trong vòng 30 phút đầu tiên sau khi thức dậy: Nhiều cơn đau tim xảy ra vào buổi sáng và rơi đúng vào thời điểm mới ngủ dậy, nhất là vào những tháng mùa lạnh. Cần khởi động trước khi đi ra ngoài và làm việc trong thời tiết lạnh.
BS Quân khuyến cáo, bệnh nhân tim mạch nên duy trì tập thể dục đều đặn trong những ngày trời lạnh, tuy nhiên nên tập trong nhà, không nên ra ngoài đường trong thời tiết lạnh. Những môn phù hợp và tập trong nhà như tập dưỡng sinh, khí công, yoga, thái cực quyền.
Người bệnh tim mạch cũng cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, tuân thủ điều trị thuốc huyết áp theo chỉ dẫn của bác sỹ.
"Người ta thấy được là hiệu quả của việc tiêm vaccine phòng cúm trong việc bảo vệ những bệnh nhân tim mạch. Người bệnh có thể cân nhắc tiêm vaccine phòng cúm để tăng cường miễn dịch cũng như bảo vệ sức khỏe tim mạch của mình." BS Nguyễn Anh Quân cho biết.