Ông Lê Hữu Bình, 67 tuổi, ở Hà Nội đến Bệnh viện Hữu Nghị trong tình trạng tê yếu nửa người. Sau khi thăm khám, qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có mảng xơ vữa gây hẹp nặng động mạch đùi bên phải.

Theo TS.BS Bùi Long Trưởng khoa Can thiệp tim mạch – Bệnh viện Hữu Nghị, với những trường hợp bệnh lý động mạch ngoại biên như ông Bình, thông thường sẽ được can thiệp bằng cách dùng bóng nong và đặt giá đỡ khung kim loại (stent) vào lòng mạch để tái thông mạch máu. Tuy nhiên, do mảng xơ vữa của bệnh nhân đã bị vôi hóa nặng, rất cứng, nếu chỉ nong và đặt stent thông thường thì rất khó thực hiện cũng như không lấy hết được mảng xơ vữa trong lòng mạch. Do đó, các bác sĩ đã chọn phương pháp mới đó là bào gọt mảng xơ vữa bằng hệ thống Hawkone để điều trị cho người bệnh.

Bệnh nhân sau khi tiến hành bào gọt mảng xơ vữa được chụp lại kiểm tra cho thấy lòng mạch được mở rộng đáng kể. Ekip can thiệp quyết định nong bóng phủ thuốc tại vị trí tổn thương. Kết quả can thiệp thành công và không có biến chứng. Hình ảnh sau can thiệp cho thấy lưu lượng máu nuôi chân được cải thiện đáng kể. Bệnh nhân sau can thiệp 24 giờ đã có thể đi bộ bình thường mà không còn triệu chứng đau chân như trước can thiệp.

Bệnh động mạch ngoại biên là tình trạng xơ vữa các động mạch như: động mạch chi dưới, chi trên, động mạch thận, động mạch cảnh gây hẹp, tắc không hoàn toàn, tắc hoàn toàn hoặc phình một hay nhiều đoạn động mạch. Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến thiếu máu mô cơ quan phía sau mạch máu, gây hoại tử đầu chi, thậm chí phải cắt cụt chi hoặc tháo khớp hoặc các cơ quan liên quan.

TS.BS Bùi Long cho biết, Hawkone là một hệ thống can thiệp mạch, được chỉ định cho tất cả những trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán có hẹp tắc động mạch ngoại biên, lòng mạch bị vôi hóa nhiều và giải phẫu của mạch máu phù hợp. Trước khi nong rộng tổn thương, các bác sĩ dùng dụng cụ đưa qua ống thông vào lòng mạch để gọt bớt xơ mảng vữa và đưa ra ngoài. Sau đó sẽ nong tiếp phần lòng mạch bị hẹp bằng bóng.

"Trong rất nhiều trường hợp, khi bào xong mảng xơ vữa bằng thiết bị này, chúng ta chỉ cần nong lại tổn thương bằng bóng phủ thuốc, bệnh nhân không cần thiết phải đặt stent. Việc đặt stent sẽ để lại một dị vật kim loại trong mạch máu và khiến bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc để phòng chống tái hẹp. Nếu dùng thiết bị Hawkone để bào gọt mảng xơ vữa thì tỷ lệ bệnh nhân phải đặt stent giảm đi, qua đó cũng sẽ giảm các nguy cơ liên quan đến các biến chứng của quá trình đặt stent. Đây là ưu điểm của phương pháp bào gọt mảng xơ vữa bằng hệ thống Hawkone” - BS Bùi Long nói.

Cũng theo TS.BS Bùi Long, nhiều nghiên cứu cho thấy việc sử dụng kết hợp hệ thống bào gọt mảng xơ vữa và bóng phủ thuốc giúp giảm đáng kể tỷ lệ tái hẹp và rất an toàn đối với người bệnh. Việc triển khai kỹ thuật này tại Bệnh viện Hữu Nghị giúp bệnh nhân mắc bệnh lý động mạch ngoại biên – nhất là những trường hợp có mảng xơ vữa nặng đã bị vôi hóa có thêm một biện pháp điều trị hiệu quả hơn.

BS Bùi Long lưu ý, với những trường hợp mắc bệnh lý động mạch ngoại biên đã được can thiệp, để tránh mảng xơ vữa hình thành trở lại, bệnh nhân nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc và tái khám, thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, kiểm soát tốt các bệnh lý về tim mạch và chuyển hóa.

Hiện nay, bệnh động mạch ngoại biên rất thường gặp song chưa được quan tâm đúng mức. Tại Bệnh viện Hữu Nghị, đa số bệnh nhân là người cao tuổi có nhiều bệnh phối hợp như tiểu đường, rối loạn mỡ máu, bệnh lý về tim mạch. Hằng năm, số bệnh nhân bị bệnh động mạch ngoại biên được tầm soát, phát hiện có thể lên đến 500 – 600 bệnh nhân. Trong đó, số có chỉ định can thiệp khoảng từ 150 đến 200 trường hợp. Những trường hợp còn lại thì được theo dõi và điều trị nội khoa.

BS Bùi Long cho biết, nếu như bệnh nhân được phát hiện sớm, điều trị các thuốc tối ưu, đồng thời kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ thì hiệu quả điều trị cũng rất tốt, bệnh nhân không cần thiết phải tiến hành can thiệp động mạch ngoại biên. Đồng thời, vị bác sĩ chuyên khoa tim mạch khuyến cáo, những trường hợp có nguy cơ cao như người trên 50 tuổi, người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính nên chú ý tầm soát, phát hiện bệnh sớm để được theo dõi và điều trị một cách hiệu quả.