Theo các chuyên gia y tế, chi phí điều trị ung thư rất tốn kém nhưng bệnh hoàn toàn có thể dự phòng hoặc loại trừ dựa vào tiêm vaccine HPV, sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện, điều trị sớm các dấu hiệu tiền ung thư. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ tiếp cận các biện pháp phòng và tầm soát ung thư cổ tử cung của phụ nữ Việt Nam còn thấp.
Nghiên cứu của Bộ Y tế và UNFPA năm 2021 cho thấy, chỉ 12% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15-29 được tiêm vaccine HPV và chỉ có 28% phụ nữ trong độ tuổi 30-49 được khám sàng lọc. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiếp cận các biện pháp phòng và tầm soát ung thư cổ tử cung thấp là do vaccine HPV có chi phí cao, chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng; khám sàng lọc ung thư cổ tử cung chưa được BHYT chi trả.
Vì vậy, việc tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các dịch vụ sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm bệnh ung thư cổ tử cung là cần thiết, đáp ứng nguyên lý phòng bệnh hơn chữa bệnh, giảm gánh nặng lên nền kinh tế cho phụ nữ và chính gia đình của họ cũng như giảm chi phí xã hội từ điều trị ung thư cổ tử cung.
Chiến lược toàn cầu nhằm loại trừ ung thư cổ tử cung do Tổ chức Y tế thế giới công bố năm 2020 đã đưa ra mục tiêu 90-70-90 mà các quốc gia cần đạt được đến năm 2030 để có thể loại trừ được ung thư cổ tử cung (90% trẻ em gái được tiêm chủng vaccine HPV đầy đủ trước tuổi 15; 70% phụ nữ được xét nghiệm sàng lọc có độ chính xác cao ở độ tuổi 35 và 45; 90% phụ nữ được xác định có tổn thương tiền ung thư và ung thư xâm lấn được chăm sóc và điều trị).
Các phương pháp sàng lọc UTCTC ở Việt Nam gồm VIA (QS bằng mắt thường với axit axetic), độ nhạy 40-70%, độ đặc hiệu 88 - 95% (thực hiện 3 năm/lần). Xét nghiệm tế bào CTC (Pap's test), độ nhạy 50-55%, độ đặc hiệu 96.8% (thực hiện 3 năm/lần) và Xét nghiệm HPV độ nhạy 94.6%, độ đặc hiệu 94.1% (5 năm/lần). Như vậy xét nghiệm HPV là một trong các biện pháp sàng lọc, phòng ngừa bệnh hiệu quả và có giá trị lâu dài.
Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế thông tin, trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, người có BHYT được quỹ BHYT chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh; phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; Khám bệnh để đánh giá nguy cơ đối với một số bệnh (ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan B, C…..);
Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi sẽ thực hiện xây dựng danh mục bệnh được quỹ thanh toán chi phí khám sàng lọc; Xác định đối tượng, điều kiện được quỹ thanh toán chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư Vú, khám sàng lọc trước sinh, sơ sinh, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan B, C; Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản …;