Trong quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đề xuất 5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế.

Theo đó, 5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế.

Việc nâng cấp 5 bệnh viện này là để giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị, đồng thời thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao không thua kém các nước khác, điển hình là các kỹ thuật làm răng, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ, ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán…Sự phát triển về kỹ thuật y tế này thu hút rất nhiều Việt kiều về nước điều trị. Cùng với đó, tại một số bệnh viện lớn của nước ta thời gian qua đã thu hút nhiều người nước ngoài đến thăm khám, điều trị.

Cũng theo PGS.TS Khuê, một trong những thế mạnh của y tế Việt Nam là chi phí thấp hơn các nước trong khi chất lượng lại không thua kém.

Cũng tại quy hoạch này, Bộ Y tế nêu rõ định hướng phát triển khu vực y tế ngoài công lập tập trung cung cấp dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, khám chữa bệnh theo yêu cầu, khuyến khích hợp tác công-tư, đầu tư tư nhân; mở rộng quy mô giường bệnh của các bệnh viện tư nhân đạt 10% tổng số giường bệnh cả nước vào năm 2025, 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 35 giường bệnh, 15 bác sĩ, 3,4 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng trên 10.000 dân; đến năm 2030 là 35 giường bệnh, 19 bác sĩ, 4 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng; năm 2050 là 45 giường bệnh, 35 bác sĩ, 4,5 dược sĩ đại học, 90 điều dưỡng.

Báo cáo của đơn vị tư vấn lập quy hoạch cho biết, khả năng tiếp cận tới bệnh viện tuyến trung ương ở một số vùng rất thấp, như: vùng Tây Nguyên không có bệnh viện trung ương, Đồng bằng sông Cửu Long có 14 tỉnh nhưng chỉ có 1 bệnh viện trung ương; 80% bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại tuyến trung ương không tin tưởng chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến dưới.

Hiện chỉ có 32,8% trung tâm y tế/bệnh viện huyện và 27,6% trạm y tế xã thực hiện được trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn.